Phát hiện thuốc giả Molnupiravir tại Thụy Sỹ trên nhãn có thông tin tiếng Việt

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận cảnh báo khẩn từ Tổng hành dinh WHO liên quan đến thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sỹ, trên nhãn có thông tin tiếng Việt.

Ngày 5/5, Cục Quản lý Dược có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sỹ, trên nhãn có thông tin tiếng Việt.

Theo đó, Cục Quản lý Dược nhận thông tin từ Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam gửi cảnh báo khẩn từ Tổng hành dinh WHO liên quan đến thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sỹ.

VTV đưa tin, Hải quan Thụy Sỹ đã phát hiện thuốc giả Molnupiravir thông tin như sau: Thuốc giả Molnupiravir 400mg, dạng bào chế nang cứng, quy cách đóng gói: lọ 20 viên nang cứng, trên nhãn có thông tin ghi "Manufactured by Công ty TNHH, Chi nhanh 1 so 40 dai, P. An Phu, Tx. Thuan An, Tinh Binh Duong, Vietnam".

Kết quả kiểm nghiệm thuốc cho thấy thuốc không chứa hoạt chất như ghi trên nhãn.

Hình ảnh thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sỹ. Ảnh: VTV
Hình ảnh thuốc giả Molnupiravir phát hiện tại Thụy Sỹ. Ảnh: VTV

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế về thuốc giả Molnupiravir 400mg có các dấu hiệu nêu trên.

Cục cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng thuốc gia Molnupiravir 400mg có các dấu hiệu nêu trên.

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tiếp nhận thông tin, báo cáo của các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của thuốc giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Được biết, Molnupiravir là một trong những loại thuốc kháng virus được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 ở Việt Nam.

Gia Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục