Công trình không phép "mọc" bên trong dự án
Người dân phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội phản ánh, trong quá trình triển khai Dự án Tổ hợp Công viên thể thao và dịch vụ hỗn hợp Hồ Sen (gọi tắt là dự án Khu đảo Sen) tại phường Gia Thụy, chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đảo Sen làm đã không tuân thủ quy định.
Chủ đầu tư xây dựng 2 công trình không phép kiên cố được cho là nhà tạm cho công nhân ở bên trong dự án Khu Đảo Sen. Người dân lo sợ công trình sau này sẽ biến tướng phục vụ vào mục đích khác của doanh nghiệp.
Theo đó, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Cụ thể, trong quy hoạch hồ điều hòa có diện tích 52.800m2, nhưng trên thực tế đang bị thu hẹp lại. Ngoài ra, xuất hiện nhiều công trình không nằm trong quy hoạch, xây dựng không phép. Điển hình là 2 nhà quây tôn quy mô lớn được chủ đầu tư cho rằng là nhà tạm được xây dựng kiên cố có điều hòa, có bếp ăn.
"Dù chưa được cấp phép, bên trong dự án Khu Đảo Sen hiện “mọc” lên một số công trình lạ, như 2 khu nhà kiên cố rộng hàng trăm m2. Không hiểu sao, công trình khủng nằm ngay cạnh UBND phường Gia Thụy lại ngang nhiên tồn tại”, ông Ngọc Dương, một người dân bức xúc.
Người dân phản ánh, khu nhà của Công ty Đảo Sen sử dụng không đúng mục đích.
Ngoài ra, người dân còn phản ánh việc Công ty Đảo Sen xây khu Nhà quản lý và dịch vụ trên khu đất 5.715m2, sử dụng không đúng mục đích, chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy khi đưa vào sử dụng…
"Khu nhà quản lý và dịch vụ có chiều cao 3 tầng, tum thang và tầng hầm. Tuy nhiên, hiện công trình đã được chủ đầu tư biến tầng tum thành tầng thứ 4 và sử dụng sai mục đích hiện kinh doanh nhà hàng, quán cà phê", người dân cho biết.
Dự án chậm tiến độ, công viên cây xanh, trường học nằm chờ
Được biết, năm 2011 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực hồ Sen với tổng diện tích khoảng 147.463m2 bao gồm các hạng mục như: hồ điều hòa; đất công viên cây xanh – thể dục thể thao; đất cơ quan, trường đào tạo...
Nhiều hạng mục của dự án Khu Đảo Sen vẫn còn ngổn ngang, chậm tiến độ. Trong đó hạng mục chính hồ điều hòa nhiều diện tích, khu vực chưa được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng.
Đến năm 2015, Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu Đảo Sen nhằm nâng cấp, xây dựng mới các công trình để phục vụ kinh doanh dịch vụ, thể thao, công viên vui chơi giải trí và hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án khoảng 450 tỷ đồng.
Theo quyết định chủ trương đầu tư, dự án sẽ đưa vào hoạt động vào quý IV/2018. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn “ngổn ngang”, nhiều hạng mục chưa xây dựng hoặc xây dựng chưa xong. "quá nhiều hạng mục chậm tiến độ, trong khi đó, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây dựng công trình kinh doanh thu tiền, còn những công trình phục vụ công ích như công viên cây xanh, hồ điều hòa, trường đào tạo... vẫn nằm chờ không biết bao giờ xong”, người dân bức xúc.
2 ô đất CQ1, CQ2 thuộc dự án Khu Đảo Sen được phê duyệt để xây dựng mới công trình cơ quan – trường đào tạo với tầng cao khoảng 9 tầng nhưng hiện nay bỏ hoang, làm bãi trông xe.
Một phần diện tích dự án Khu Đảo Sen nằm ở mặt đường Nguyễn Sơn được chủ đầu tư cho các đơn vị thuê lại để phục vụ việc kinh doanh nhà hàng, gara ô tô do chưa thu hồi giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, dự án vẫn còn những phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng như khu vực tiếp giáp với đường Nguyễn Sơn. Hiện tại, khu đất thuộc phần diện tích nằm trong dự án chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại được cho các đơn vị thuê lại làm cây xăng, gara sửa chữa ô tô, quán bia, nhà hàng kinh doanh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy cho biết, việc 2 công trình “khủng” không phép trong dự án được chủ đầu tư báo cáo lán tạm cho công nhân ăn ở, sinh hoạt để phục vụ cho việc thi công dự án: “Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ sử dụng vào mục đích làm nơi ăn ở cho công nhân thi công dự án và hoàn trả lại mặt bằng chứ không để biến tướng phục vụ cho mục đích khác. Nếu họ không thực hiện đúng, UBND phường sẽ áp dụng các biện pháp xử lý”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng thừa nhận dự án đến nay còn tồn tại nhiều bất cập như triển khai chậm tiến độ do "vướng" giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đầu tư cải tạo hồ nước theo diện tích được phê duyệt, nhiều hạng mục trong dự án chưa được thi công gây bức xúc cho người dân...
Theo Ninh Phan/Tienphong