Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (Ngân hàng PGBank, mã chứng khoán: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy kết quả kinh doanh giảm sút.
Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong kỳ chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh khác của PG Bank cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, như: lãi thuần từ dịch vụ giảm 42%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61%, lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm tới 76%.
Ngược lại, chi phí hoạt động của ngân hàng PG Bank trong quý III/2023 tăng 8,7% lên 188 tỷ đồng. PGBank đã mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống 26%, chỉ còn 57,2 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2023, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng PG Bank chỉ đạt 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình từ phía PGBank, lợi nhuận quý III/2023 suy giảm mạnh chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm trong bối cảnh tình hình hoạt động chung của toàn ngành ngân hàng vẫn đối mặt nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp.
Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý III/2023 ở mức yếu, tác động nghiêm trọng đến các nghiệp vụ thanh toán, L/C của ngân hàng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng PG Bank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 959 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác đều sụt giảm; trong đó, lãi thuần từ dịch vụ giảm 15,5%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 8%; và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 72%.
Lợi nhuận 9 tháng đầu 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đề ra năm 2023, PG Bank đã thực hiện được 68% mục tiêu sau 9 tháng.
Về tài sản, tại ngày 31/9, tổng tài sản của Ngân hàng giảm nhẹ không đáng kể so với đầu năm, còn 47.832 tỷ đồng.
Trong đó, tiền mặt giảm 35% còn 215 tỷ đồng, tiền gửi thanh toán tại NHNN giảm 50% còn 425 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên 30.485 tỷ đồng).
Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác giảm 21% (còn 7.245 tỷ đồng), tiền gửi của khách hàng tăng 9% (34.098 tỷ đồng).
Một điểm tối trong bức tranh tài chính của PGBank là tổng nợ xấu tại thời điểm 30/9 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% vào cuối năm ngoái lên 2,61%.
Mới đây, ngày 23/10, PGBank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Tại đại hội, cổ đông PGBank đã thông qua toàn bộ các tờ trình.
Trong đó có nội dung quan trọng là PGBank miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Mạnh Hải, Oliver Schwarzhaupt và Nilesh Banglorewala.
Ở chiều ngược lại, PGBank bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT bao gồm ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm.
PGB cũng miễn nhiệm tư cách Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát đối với bà Dương Ánh Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Vinh, bầu bổ sung 2 thành viên Ban kiểm soát chuyên trách, bao gồm ông Trần Ngọc Dũng và ông Trịnh Mạnh Hoán.
Trước đó, tháng 9/2023, PGBank đã công bố các báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.
3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trên thị trường chứng khoán, mã PGB giảm nhẹ về giá 26.100 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 23/10.