Ông Trần Bá Dương kiêm thêm chức Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico

Chiều 8-1, Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 7.414 tỷ đồng, thông qua phát hành thêm 741.446.105 cổ phiếu cho THAGR

Sau đợt phát hành này, cơ cấu các nhóm cổ đông như sau: THACO Group và gia đình ông Trần Bá Dương là 63,08%; HAGL Group là 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.Đại hội cũng đã bầu ra Hội đồng quản trị HAGL Agrico với 5 thành viên đảm nhiệm các vị trí trọng yếu như sau: Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT; ông Đoàn Nguyên Đức - Phó Chủ tịch HĐQT; ông Trần Bảo Sơn - Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Hoàng Phi - Thành viên HĐQT – Phó Tổng Giám đốc; bà Võ Thị Mỹ Hạnh - Thành viên HĐQT – Phó Tổng Giám đốc.

Ông Trần Bá Dương kiêm thêm chức Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico - Ảnh 1

Đồng thời, đại hội bầu Ban kiểm soát HAGL Agrico gồm 3 thành viên là: ông Bùi Minh Khoa - Trưởng Ban kiểm soát; ông Đặng Công Trực - Thành viên Ban kiểm soát và bà Lê Thùy Dương - Thành viên Ban kiểm soát.

Đại hội cũng thông qua Chiến lược đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 cho diện tích đất còn lại của HAGL Agrico là 35.757ha tại Lào (27.383ha) và phía Bắc Campuchia (8.374ha).Mục tiêu là tập trung trồng trọt cây ăn trái (chuối, xoài, dứa) và xác định chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt là lĩnh vực chiến lược của HAGL Agrico để đảm bảo nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quản trị theo phương pháp công nghiệp, trong đó:

Về trồng trọt cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến 31/12/2020 là 13.200ha (trong đó chuối 5.400ha, xoài 4.000ha, cây ăn trái khác 3.800ha). Kế hoạch trồng mới các cây ăn trái chủ lực đến năm 2023 là 9.700ha (trong đó chuối: 5.200ha, xoài 2.500ha, dứa 2.000ha). Tổng diện tích vườn cây ăn trái đến hết năm 2023 là 21.800ha và 8.434ha cây cao su.

Ông Trần Bá Dương kiêm thêm chức Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico - Ảnh 2

Về chăn nuôi bò: Tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con (trong đó bò sinh sản là 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo là 35.000 con). Đồng thời HAGL Agrico nghiên cứu chiến lược phát triển Nông - Lâm và Chăn nuôi tại Lào với quy mô lớn; hình thành Khu công nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản tại Nam Lào.

Để đạt các mục tiêu theo chiến lược đã đề ra, HAGL Agrico tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 như sau: Quy hoạch tổng thể vùng trồng - chăn nuôi theo quy mô lớn phù hợp địa hình, địa thế và thổ nhưỡng cho từng loại cây nhằm ứng dụng cơ giới hóa và quản trị theo chuyên môn hóa, đồng bộ quy hoạch với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, giao thông, kho vật tư nông nghiệp, trung tâm cơ khí, nhà máy sản xuất vật tư đóng gói, kho lạnh). Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, chăm sóc vườn cây, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản trái cây tại các nông trường.

Bên cạnh đó, trồng mới 1.000ha chuối tại Attapeu - Lào, 1.000ha xoài keo tại Rattarakiri - Campuchia với mức đầu tư ước khoảng 500 tỷ đồng. Tập trung chăm sóc vườn cây ăn trái hiện hữu (5.360ha chuối, 4.000ha xoài) để nâng cao chất lượng, sản lượng. Đồng thời đánh giá tính hiệu quả để chuyển đổi hơn 1.000ha cây ăn trái khác (dừa, quýt, bơ, thanh long) sang trồng các cây ăn trái chiến lược. Đầu tư chuồng trại, đồng cỏ chăn thả nuôi 8.000 con bò sinh sản trong giai đoạn 1, với mức đầu tư ước khoảng 450 tỷ đồng.

Đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất quy mô lớn (các loại xe cơ giới thi công, xe vận tải chuyên dụng, máy bay phun thuốc; hệ thống ròng rọc thu hoạch chuối). Đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình trên đất phục vụ sản xuất (hệ thống hồ tưới, kênh thủy lợi, trạm bơm, trạm điện và đường giao thông; các nhà xưởng đóng gói trái cây, khu nhà ở, văn phòng nông trường, nhà ở công nhân, nhà trẻ, trạm y tế) với mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng.

Theo ông Trần Bảo Sơn, Tổng Giám đốc HAGL Agrico, với chiến lược phát triển và tình hình tài chính của HAGL Agrico như trên, chắc chắn rằng trong thời gian tới kết quả sản xuất kinh doanh của HAGL Agrico sẽ có hiệu quả hơn và phát triển bền vững.

“Tuy nhiên nông nghiệp là một lĩnh vực rất khó và mới, đặc biệt cần phải đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông, các công trình trên đất, logistics và phải quản trị sản xuất theo mô hình công nghiệp khép kín chuỗi giá trị từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Nhất là cần sự đào tạo để có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, công nhân giỏi nghề, đam mê nông nghiệp và phải cần một thời gian dài mới có thể hoạt động ổn định hiệu quả và phát triển bền vững”, ông Sơn nói.

Được thành lập từ năm 2010, Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã tập trung trồng các loại cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích 85.000ha ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Tổng nợ đến ngày 3/8/2018 là 18.414 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, nơi này đã mời gọi THACO là nhà đầu tư chiến lược để thực hiện tái cấu trúc tài chính nhằm trả được nợ tới hạn, đồng thời thực hiện việc chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang cây ăn trái.

Trong hơn 2 năm qua, kể từ ngày ký kết hợp tác chiến lược với THACO ngày 8/8/2018 đến nay, THACO đã cùng HAGL giải quyết những khó khăn về tài chính để HAGL Agrico trả được nợ ngân hàng tới hạn và thực hiện việc chuyển đổi, phát triển vườn cây ăn trái như sau:

THACO đầu tư mua 38% cổ phần Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai với số tiền 4.500 tỷ đồng. THACO thông qua Công ty Đại Quang Minh mua lại HAGL Myanmar từ HAGL và tiếp tục đầu tư cho dự án này với tổng số tiền là 8.155 tỷ đồng. Qua đó, HAGL đã có tiền cho HAGL Agrico vay số tiền là 2.187 tỷ đồng.

Đồng thời, THACO cùng công ty con là Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO) cho HAGL Agrico vay số tiền là 5.994 tỷ đồng. Bên cạnh đó, THAGRICO đã nhận chuyển nhượng 24.861ha đất của 3 công ty con HAGL Agrico là (Cao su Đông Dương, Cao su Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên) với tổng số tiền 7.626 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HAGL Agrico đã chuyển đổi và phát triển vườn cây ăn trái lên đến 24.600ha, trong đó chuối: 12.000ha; xoài 6.000ha và 6.600ha cây ăn trái khác. Doanh thu xuất khẩu năm 2019 đạt 78 triệu USD, năm 2020 đạt 110 triệu USD. Vì vậy, tính đến ngày 30/11/2020, HAGL Agrico còn nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng, nợ THAGRICO 5.994 tỷ đồng, nợ HAGL 2.187 tỷ đồng, nợ phải trả nhà cung cấp, đối tác, nhân viên 2.196 tỷ đồng; tổng các khoản nợ phải trả là 16.078 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/9/2020 là 2.663 tỷ đồng.

Ông Trần Bá Dương kiêm thêm chức Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico - Ảnh 3

Ông Trần Bảo Sơn cho biết, có thể nói HAGL Agrico đã thoát khỏi bờ vực phá sản nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn đối với việc trả các khoản nợ trên. Đồng thời tiếp tục cần vốn để chăm sóc vườn cây và đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông, tổng kho vật tư, kho lạnh, logistics nội bộ phục vụ nhu cầu cấp bách của sản xuất.

“Do vậy, HAGL Agrico tiếp tục thực hiện tái cấu trúc trong đợt này như sau: Hội đồng Quản trị HAGL Agrico đã quyết định chuyển nhượng tiếp 4 công ty với tổng diện tích 20.744ha (gồm Công ty An Đông Mia, Công ty Hoàng Anh Quang Minh sở hữu 17.305ha tại Campuchia và Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Bò Sữa Tây Nguyên sở hữu 3.439ha tại Việt Nam) cho THAGRICO với giá 9.095 tỷ đồng và số tiền thu về được là 6.500 tỷ đồng”, Tổng Giám đốc Trần Bảo Sơn nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

Theo Doanh nghiệp Việt Nam
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục