Ông Kim Jong-un mất tích 40 ngày: "Một công đôi ba việc"?

(Kinhdoanhnet) - Trong 40 ngày "mất tích", ông Kim Jong-un đã đạt 3 mục đích: Có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe; củng cố quyền lực và đại thanh trừng nội bộ đồng thời thu hút sự chú ý đặc biệt.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn Takungpao (Hồng Kông) ngày 23/10 đưa tin, trong quãng thời gian 40 ngày “mất tích” bí ẩn của mình, bên cạnh việc ông Kim Jong-un nghỉ ngơi dưỡng sức, có tin cho rằng nhiều khả năng nhà lãnh đạo này đã thanh trừng 12 quan chức cao cấp của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un 'bỗng nhiên biến mất' rồi lại bất ngờ xuất hiện với cây gậy.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un "bỗng nhiên biến mất" rồi lại bất ngờ xuất hiện với cây gậy.

Thế giới bên ngoài có lẽ đã đánh giá hơi thấp Kim Jong-un trong hơn 1 tháng ông "mất tích". Chỉ vỏn vẹn 40 ngày ông đã loại bỏ nhiều quan chức cấp cao như thế không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được, cho dù cách làm có thể còn bàn cãi, nhưng khả năng kiểm soát chính quyền của Kim Jong-un thì không thể coi thường.
Tháng 6/2012 Kim Jong-un cũng "mất tích" 23 ngày, sau khi tái xuất hiện thì Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho mất chức. 40 ngày vắng mặt khỏi truyền thông lần này, Kim Jong-un một mặt dưỡng thương, mặt khác cũng "dọn dẹp bộ máy" và củng cố quyền lực không có gì lạ.
Không chỉ có vậy, trong thời gian "mất tích" bí ẩn này, nhà lãnh đạo này còn đặc biệt tiến hành tăng cường tuyên truyền "giáo dục tư tưởng" của quan chức Triều Tiên đối với Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo đó, quan chức các cấp ở Bình Nhưỡng đã nhận được “chỉ thị” của lãnh đạo Kim Jong-un chỉ ra “Nhật Bản là kẻ thù trăm năm, Trung Quốc là kẻ thù nghìn năm”. Tân Hoa Xã đánh giá đây là động thái đẩy mạnh giáo dục tư tưởng nhằm củng cố vị thế của ông Kim tại Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn này, kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đến nay, quan hệ Trung – Triều đã trở nên lạnh nhạt một cách rõ rệt. Tuy nhiên, bề ngoài hai quốc gia này vẫn thể hiện là hình mẫu quan hệ “đồng minh chuẩn mực” của nhau. Trong dịp Quốc khánh Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thường ủy Bộ chính trị Trương Đức Giang đã liên danh gửi điện mừng tới Bình Nhưỡng.
Theo một số chuyên gia phân tích, rất khó để kiểm chứng được “quan điểm thực chất” của giới lãnh đạo Triều Tiên đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, xét trên động thái đẩy mạnh ngoại giao trong khu vực và thế giới của Triều Tiên gần đây, các nhà phân tích nhận định nước này có chủ đích thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Trước đó, Tân Hoa Xã dẫn tin từ tờ Sankei (Nhật Bản) hôm 21/10 cho hay, kể từ 6/10, Triều Tiên đã lần lượt thanh trừng 12 cán bộ cao cấp.
Bài báo của Nhật trích dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ, vụ xử tử hôm mùng 6 được diễn ra tại trường bắn của Học viện quân đội tổng hợp Gang Gon. Theo đó, lực lượng cảnh sát mật của Bộ bảo vệ an toàn quốc gia Triều Tiên đã tử hình 10 người, trong đó có 3 quan chức thuộc đảng Lao động nước này. Ngày 11/10, đã có thêm 2 thư ký cao cấp của đảng này bị hành quyết.
Cũng hơn 1 tháng trở lại đây, mặc dù Kim Jong-un không xuất hiện trên truyền thông, nhưng các hoạt động ngoại giao của Bình Nhưỡng không vì ông vắng mặt mà bị đình trệ. Trái lại Bình Nhưỡng còn triển khai một loạt cuộc "tấn công quyến rũ" về mặt đối ngoại.
Trong khoảng thời gian Kim Jong-un vắng mặt, các quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên liên tục xuất ngoại, tranh thủ các diễn đàn khác nhau để truyền đi thông điệp với thế giới rằng Bắc Triều Tiên muốn đối thoại đã lâu.

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục