Nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản

(Kinhdoanhnet) - Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học vừa công bố, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, nuôi trồng thủy sản.

Sáng 22/8, tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, Bộ TN-MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản - Ảnh 1
Hội nghị Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường biển của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế diễn ra sáng nay (22/8). Ảnh: VNE

Tại hội nghị, các nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Đây là nội dung được chờ đợi với hàng loạt câu hỏi cụ thể về chất lượng nước biển, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Hội nghị đã khẳng định, quá trình quan trắc, đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển, các hệ sinh thái biển và ven biển 4 tỉnh miền Trung đã được áp dụng đúng quy trình, phương pháp trên cơ sở khoa học theo quy định của Việt Nam và phù hợp với quốc tế.

Nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản - Ảnh 2
Nước biển miền Trung đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa

Có mặt tại hội nghị, Tiến Sĩ Schroeder - một chyên gia người Đức phát biểu kết quả đánh giá dựa trên phương pháp lấy mẫu cụ thể, chi tiết của các nhà khoa học trên cho thấy độ tin cậy là rất cao.

Liên quan đến hai thông số Xyanua và Phenol, theo chuyên gia này, thông số Xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép của Việt Nam, thông số về phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể, riêng về độ an toàn của nước biển phục vụ cho việc bơi lội tại các bãi tắm thì có thể khẳng định đã an toàn.

Liên quan đến việc cá đã ăn được chưa, theo Tiến Sĩ Schroeder, dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là cá ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao

Ông nói sắp tới cũng cần gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến hơn để có kết quả đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá.

Hội nghị đã đưa ra kết luận, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm thể thao Nhà nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Trong đó lưu ý, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc tỉnh Hà Tĩnh, cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình), hòn Sơn Trà (tỉnh TT - Huế) do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác nhưng vẫn trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được quan trắc. Hệ sinh thái rặng san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động sau sự cố môi trường đã suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô nay đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Về chất lượng thủy, hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong ngày 22/8.

Thu Trang (TH theo Tuổi trẻ, VTV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục