Nửa thế kỷ, một mối tình

Họ gặp nhau trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tình yêu vừa chớm nở đã bị kẻ thù chia cắt. Thế nhưng, tình yêu ấy đã vượt lên sự đày đọa của kẻ thù và đoàn viên ngay trong ngày thống nhất đất nước.

Hai nhân vật chính của mối tình thủy chung, son sắt, từng gây xúc động trong dư luận một thời ấy là ông Lê Hồng Tư, người tử tù bị đày ra Côn Đảo từ năm 1961 và bà Nguyễn Thị Châu, người nữ sinh, nữ Cộng sản nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định...

Nửa thế kỷ, một mối tình - Ảnh 1
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu ngày cưới.

Đồng vọng

Sài Gòn đầu năm 1957. Chỉ ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán nhưng bầu không khí tịch mịch vẫn bao trùm ngôi miếu ngũ hành. Dưới gốc cây bồ đề, vẫn chiếc bàn con giản dị và ánh đèn leo lét nhưng thay vì sách vở và người thiếu nữ cặm cụi học bài hàng ngày, trên mặt bàn là đĩa trái cây, bánh ngọt mừng tất niên sớm của 3 học sinh lớp đệ tam, Trường Văn Lang: Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu, Lê Mỹ Lệ. Hết chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bài vở, Lê Hồng Tư, thành viên nam duy nhất và lớn tuổi nhất trong nhóm đề nghị: mỗi người tự kể về hoàn cảnh, gia đình mình để hiểu nhau hơn.

Thực ra, trong số 3 thành viên của buổi họp mừng tất niên chỉ có Châu là người duy nhất bị động trước lời đề nghị này. Khi ấy, cả Hồng Tư và Mỹ Lệ đều đã là những hạt nhân nòng cốt của phong trào học sinh, sinh viên thành phố. Những lời tâm sự nhỏ to lần này chính là một trong những cơ hội để họ quyết định Châu có đủ tin cậy để trở thành đồng chí, đồng đội của mình.

Chính xác hơn, với Hồng Tư, đó còn là sự mong đợi. Bởi trước đó 5 tháng, ngay trong lần tiếp cận đầu tiên, anh đã ngầm "chấm" Châu để đưa vào tổ chức. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, anh nhận thấy trái tim mình lỗi nhịp...

Ngày ấy, chị, cô nữ sinh tỉnh lẻ với kết quả học tập đủ điều kiện vào một trong những trường danh giá nhất Sài Gòn. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, chị buộc phải chọn Văn Lang, ngôi trường tập trung đại đa số thầy và trò mới di cư từ miền Bắc vào, có mức học phí thấp hơn.

Ngày đầu chân ướt chân ráo đến trường, nhiều thứ còn bỡ ngỡ nên sự nhiệt tình của người lớp trưởng Hồng Tư khiến chị bất ngờ và cảm động. Nhưng rồi những buổi trò chuyện về lý tưởng, về hạnh phúc xen giữa những buổi học, sinh hoạt ngoại khóa và sau này là những lần biệt vô âm tín hàng tuần, hàng tháng, Châu lờ mờ hiểu rằng người con trai mà các cô đang tin cậy như người anh, người bạn không giống như bao học sinh khác.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của những ngày làm liên lạc, canh gác giúp cha hoạt động Việt Minh ngay từ khi mới 9, 10 tuổi cho Châu đủ chín chắn để hiểu rằng dù có cố gắng gặng hỏi anh cũng vô ích. Cách duy nhất là học, sinh hoạt và chờ đợi. Hè năm 1957, Châu chính thức được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động.

Hẹn ước

Ai đó từng nói rằng, có hai chuyện con người ta khó giấu được là khi say và khi yêu. Trường hợp của Lê Hồng Tư, Nguyễn Thị Châu cũng không ngoại lệ. Phút lúng túng, ánh mắt yêu thương thoáng trao của hai người yêu nhau trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, những chuyến thăm cô nhi viện cùng tập thể lớp đã không nằm ngoài "tầm quan sát" của bạn bè đồng trang lứa, đặc biệt là người bạn, người đồng chí luôn sát cánh bên họ, Mỹ Lệ.

Năm 1958, Lê Hồng Tư buộc phải chuyển trường theo yêu cầu công tác. Loay hoay mãi, anh vẫn không tìm được người đủ độ tin cậy để thay mình ở lại lãnh đạo phong trào tại Văn Lang, trừ Châu.

Dù biết gia đình người mình yêu thương rất nghèo. Chị đi học còn phải nhờ vào đồng tiền nhịn hút thuốc của người chú ruột kèm theo bản cam kết với gia đình: học xong phải kiếm việc làm nuôi các em... Thế nhưng anh vẫn phải nén lòng chọn chị. Được chọn, nghĩa là Châu buộc phải tìm cách ở lại trường. Cái cớ hợp lý nhất để chị ở lại là... thi trượt.

Cuộc đấu tranh ngày càng phức tạp. Trong khi anh mải miết theo công tác thì những lá thư tỏ tình với chị Châu cũng nhiều thêm theo năm tháng. Thư của người thuộc thành phần đối lập có, của người có cảm tình với cách mạng cũng không ít. Người lên tiếng động viên, cảnh báo anh: nếu không "nhanh tay", e rằng Châu sẽ thuộc về người khác... Người cảnh báo cho anh không phải ai khác ngoài cô bạn gái của hai người, Mỹ Lệ.

Tuy nhiên, phải khá lâu sau, cơ hội mới đến. Đó là một chiều thứ bảy, Lê Hồng Tư có việc phải trở về cơ sở - phòng trọ của Nguyễn Thị Châu và hai người bạn khác. Hai cô bạn đã về quê, chỉ còn lại mình chị. Trời mưa rả rích. Trao đổi công việc xong, anh mới xa gần, lựa lời đề cập đến chuyện tình cảm. Lời từ chối thẳng thừng của chị khiến kẻ mới yêu lần đầu chết lặng.

Quay lên gác, anh vẫn cố lén nhìn xuống, chờ đợi một phần trăm cơ may thay đổi. Hình ảnh người con gái vẫn bình thản cặm cụi bên những bài toán đại số ngay sau khi mình tỏ tình khiến lòng anh quặn thắt. Anh không hề biết rằng, sau vẻ lạnh lùng ấy, lòng chị cũng đang bối rối: Nếu nhận lời yêu anh, có thể sẽ đi đến kết hôn, sẽ phải phụ lời cam kết với gia đình trước khi đi học, nhiệm vụ với cách mạng lại chưa tròn...

Mặc dù đề nghị cứ 6 tháng sẽ "hỏi lại ý kiến" của chị một lần nhưng một phần vì yêu cầu bảo mật công tác, phần vì sợ tái diễn vết thương lòng nên anh chưa dám hỏi lại. Phải đến hè năm 1960, trước khi đi công tác xa, anh mới có dịp hẹn gặp chị để trao đổi, giới thiệu người thay thế mới. Khi ấy, tình hình hết sức căng thẳng.

Theo nguyên tắc, nếu người nào trễ hẹn 10 phút thì người còn lại buộc phải di tản. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, anh vẫn không thấy bóng dáng quen thuộc của chị. Thất vọng, anh lầm lũi quay xe về. Đến giữa cầu Bình Tây, anh thấy chị đang đi hối hả. Chị bị trễ xe buýt. Biết anh chuẩn bị ra cứ, chị đã chuẩn bị sẵn một gói quà. Về nhà, mở ra, Lê Hồng Tư mới biết là chiếc khăn mặt, 2 chiếc quần đùi và 200 đồng. Anh xúc động lắm. Gắn bó công tác với chị đã lâu nên anh biết hoàn cảnh chị rất khó khăn. Để có được 200 đồng này, chắc chắn chị phải tiết kiệm rất nhiều.

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm lần 1, ngày 11/11/1960, cơ sở đứt đường dây liên lạc, tổ chức giao anh nối lại. Thêm một lần nữa, anh có dịp hẹn gặp chị. Lời tỏ tình chưa có câu trả lời thì xe đã lăn bánh, anh chỉ kịp nói với theo: "Còn sống trên trái đất này, anh còn giữ đề nghị thành hôn với em".

Hạnh phúc bất ngờ của người tử tù

Ngày 9/2/1961, Nguyễn Thị Châu bị địch bắt sau khi vừa chuyển xong tài liệu cho cơ sở. Vào trại Lê Văn Duyệt, chúng ra sức dụ dỗ, mua chuộc nhưng không lay chuyển được cô nữ sinh bé nhỏ, địch chuyển qua tra tấn. Hết luân chuyển chị qua Quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, hầm tối P.42, cấm cố trong xà lim nhà tù Phú Lợi rồi lại quay trở về Tổng Nha, sau đủ các ngón đòn: tàu bay, tàu lặn, đóng đinh 10 đầu ngón tay... nhưng chị vẫn một mực trung kiên. Chị thầm hứa: phải sống xứng đáng với Đảng, Cách mạng và xứng đáng với những gì anh dành cho chị.

Được tổ chức, đồng đội tín nhiệm, Nguyễn Thị Châu được kết nạp Đảng, trở thành chi ủy viên chi bộ Đảng ngay tại trại Lê Văn Duyệt. Các thông tin về hoạt động đấu tranh bên ngoài cũng được gửi đến cho anh chị em qua đường dây liên lạc bí mật. Chị càng tự hào về anh khi được biết người mình yêu đã cùng đồng đội tiến hành hàng loạt các hoạt động gây thiệt hại nặng nề, gieo nỗi sợ hãi, hoang mang trong đội ngũ địch.

Tuy nhiên, sau vụ tổ chức đánh bom không thành vào xe đại sứ Mỹ ngày 8/7/1961, địch điên cuồng lùng sục. Lê Hồng Tư và rất nhiều đồng đội khác bị bắt, bị tra tấn. Để khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng, ngày 23/5/1962, Tòa Quân sự mở phiên tòa xét xử đặc biệt. Lê Hồng Tư và 5 đồng đội khác bị kết án tử hình.

Nhận được tin dữ, lòng chị tan nát nhưng không dám khóc. Chị lo địch nghi ngờ, phát hiện đường dây thông tin bí mật. Chị càng căm giận kẻ thù, càng lo lắng, thì những ký ức về anh, tiếng nói còn vọng theo chuyến xe ngày anh tiễn chị đi hơn một năm trước lại hiện về. Không nén được lòng mình, chị quyết định thông qua tổ chức, nhắn tin mình là vị hôn thê của anh. Ngay lập tức, mối tình đặc biệt xúc động và kỳ lạ của họ được lan truyền khắp trong và ngoài các nhà lao, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của không ít tác phẩm văn, thơ. Tuy nhiên, phải mất 4 năm sau, tin vui này mới chuyển được đến đúng địa chỉ.

Sau bao năm chịu mọi cực hình đòn roi, tra tấn, chứng kiến vô số các thảm cảnh bởi sự tàn độc của những cai ngục hung thần, Lê Hồng Tư đã ngỡ trái tim mình hóa đá. Thế nhưng, nhận tin chị, anh đã khóc. Khóc vì hạnh phúc, khóc vì cảm động. Niềm mong đợi bao năm nay đã trở thành sự thật. Điều quý nhất là chị vẫn quyết định dành trọn tình yêu cho anh ngay cả khi biết anh đang mang bản án tử hình...

Chiến thắng và đoàn tụ

Trước sức ép của phong trào đấu tranh, không tìm được lý do để khép tội, cuối năm 1964, địch buộc phải trả tự do cho chị Châu. Ra tù, chị tiếp tục móc nối liên lạc, tham gia hoạt động cách mạng và cập nhật tin tức của anh cùng các đồng đội từ ngoài Côn Đảo theo mọi con đường mà chị có thể tìm hiểu được. Tin chính xác có, tin không chính xác cũng có. Đã không ít lần, tin báo anh đã hy sinh nhưng không hiểu sao chị vẫn luôn tin anh vẫn còn sống và nhất định sẽ trở về.

Ngày 7/5/1975, niềm tin ấy đã trở thành sự thật. Lê Hồng Tư đã cùng đồng đội trở về đất liền giữa vòng tay yêu thương, trong sự chào đón nồng nhiệt của đồng chí, đồng bào. Lúc này, chị là Chủ tịch quận 10. Nhận tin anh khá sớm nhưng trước mắt chị vẫn là cả núi công việc của địa phương mới giải phóng đang cần giải quyết. Chỉ khi cuộc họp cuối cùng đã chấm dứt, sau 12 giờ đêm, chị mới có điều kiện đến đón anh.

Một đám cưới cách mạng, giản dị nhưng đặc biệt vui vẻ, ấm áp với số khách tham dự gấp 3 lần khách mời dự kiến là một cái kết hoàn toàn có hậu cho mối tình đẹp như huyền thoại của họ. Vì những di chứng sau nhiều năm liên tục chịu sự tra tấn của kẻ thù, phải mất 2 năm sau, tình yêu ấy mới khai hoa nở nhụy. Cậu bé Lê Nguyễn Hồng Quang cất tiếng khóc chào đời

Ngọc Nguyễn

KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục