Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Nosco - Mã: NOS) tiền thân là Công ty Vận tải Thủy Bắc thuộc Cục Đường sông Việt Nam thành lập năm 1993 và tới năm 1997 chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tới tháng 8/2007 Nosco đã chính thức cổ phần hóa và chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 11/1/2011.
Tính đến hiện tại Vinalines vẫn đang sở hữu 49% vốn tại Nosco. Cổ đông lớn thứ hai là Bảo hiểm Bảo Minh với tỷ lệ 9,97% và Công ty Thương mại Biển Bắc nắm 7,6%.
Nosco hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải biển; cho thuê, mua bán và sửa chữa tàu biển. Hiện Công ty đang có vốn điều lệ gần 201 tỷ đồng.
Nosco là doanh nghiệp rất nhỏ trên thị trường chứng khoán nhưng lại được chú ý đến bởi nằm trong danh sách nhóm “cổ phiếu trà đá” nhất trên thị trường khi thị giá hiện chỉ 300 đồng/cp và cổ phiếu NOS hầu như không có giao dịch. Với hơn 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành thì tổng vốn hóa thị trường của Nosco chỉ hơn 6 tỷ đồng.
Không chỉ nổi tiếng bởi giá cổ phiếu siêu thấp mà Nosco còn được chú ý bởi doanh nghiệp này đã liên tục thua lỗ gần 10 năm trở lại đây.
Nosco bắt đầu thua lỗ từ năm 2010 trở đi chính là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi nhu cầu vận tải biển sụt giảm, giá vận tải biển thấp trong khi giá nhiên liệu, vật tư cùng đồng USD, vàng tăng cao khiến thu không bù chi, nợ vay liên tục gia tăng và việc thu hồi công nợ khó khăn.
Kết quả kinh doanh của Nosco qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp qua báo cáo tài chính)
Theo số liệu thu thập được của người viết thì năm 2011 Nosco chỉ lỗ hơn 1,1 tỷ đồng nhưng từ năm 2012 trở đi con số lỗ ngày càng tăng lên, đỉnh điểm là năm 2013 doanh nghiệp lỗ tới 958 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 – 2017 tình hình kinh doanh của Nosco khả quan hơn khi số lỗ đang giảm dần nhưng tới năm 2018 doanh nghiệp lại tiếp tục báo lỗ tới 336 tỷ đồng do giá vốn và chi phí lãi vay tăng mạnh.
Hết năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Nosco lên tới 3.894 tỷ đồng, ăn mòn hết vốn chủ sở hữu khi khoản này âm 3.634 tỷ đồng.
Năm 2019, dự báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa khả quan, tình hình thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu phục hồi nên Nosco lại lên kế hoạch lỗ gia tăng so với năm 2018 lên 389 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm Nosco lại tiếp tục lỗ tới gần 21 tỷ đồng nhưng con số này lại giảm đáng kể so với mức lỗ hơn 140 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 4/2019, đội tàu của Nosco gồm 4 tàu: Oriental Glory, Phương Đông 5, Phương Đông 6 và Phương Đông 10. Trong đó tàu Phương Đông 10 trẻ nhất là 8 tuổi còn lại ba tàu trên cùng lâu năm có độ tuổi từ 24 – 26 năm và đều được thế chấp để vay ngân hàng.
Trong năm 2019, tàu Phương Đông 10 sẽ chỉ được khai thác trong 9 tháng đầu năm sau đó sẽ xử lý tài sản đảm bảo theo yêu cầu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thu hồi nợ vay. Việc phải thanh lý thêm một tàu có thể lý giải phần nào vì sao doanh nghiệp đặt kế hoạch con số lỗ năm 2019 còn lớn hơn năm 2018.
Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm lớn nhất thị trường
Nợ vay vẫn ở mức cao qua nhiều năm khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay hàng năm rất lớn “ăn mòn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp, thu không bù chi khiến doanh nghiệp cứ mãi không thể thoát khỏi cảnh thua lỗ. Lỗ lũy kế ngày càng tịnh tiến khiến vốn chủ sở hữu ngày càng âm nặng, tổng tài sản ngày càng teo tóp. Tính tới hiện tại Nosco là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Nguồn: HK tổng hợp qua báo cáo tài chính các năm
Thậm chí tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Nosco, phía kiểm toán nhận định khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu đặc biệt là phía Vinalines.
Tính tới ngày 31/3/2019 Nosco đang có khoản nợ đi vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 3.010 tỷ đồng. Hàng loạt ngân hàng lớn đang bị “mắc kẹt” vốn tại Nosco như: Agribank, Vietcombank, SeABank. Trong đó Nosco đang nợ ngân hàng Vietcombank 1.003 tỷ đồng, Agribank 1.161 tỷ đồng, nợ SeABank 454 tỷ đồng. Toàn bộ các khoản vay này đều được thế chấp bằng tàu của Nosco.
Trên báo cáo kiểm toán năm 2018, phía kiểm toán cho biết từ năm 2016, Nosco đang ghi giảm giá trị khoản vay tại SeABank - Chi nhánh Hải Phòng số tiền là 637 tỷ đồng tương ứng với giá trị còn lại của tàu Nosco Victory là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.
Tuy nhiên đến thời điểm ngày 18/3/2019, kiểm toán vẫn chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc xử lý khoản nợ vay từ phía SeABank nên vẫn chưa thể đưa ra ý kiến về số dư khoản vay này.
Mặt khác tài sản đảm bảo cho khoản vay này là tàu Nosco Victory đã được SeABank bán để thu hồi nợ gốc, đơn vị không tiếp tục thực hiện trích trước chi phí lãi vay với khoản nợ này và tổng tiền lãi vay phải trích tính theo số dư tiền còn phải trả là gần 33 tỷ đồng.
"Sống" cũng dở mà giải thể cũng không xong
Nhìn vào biểu đồ hệ số đi vay/tổng tài sản của Nosco ta có thể thấy tỷ lệ này đang gia tăng mạnh qua các năm và ở mức rất cao so với các doanh nghiệp khác. Kết thúc ngày 31/3/2019, khoản đi vay nợ đã gấp 2,3 lần tổng tài sản báo động nguy cơ rủi ro tài chính.
Vậy tại sao Nosco thua lỗ hàng chục năm nay nhưng phía Vinalines không có động thoái thoái vốn cũng như doanh nghiệp lại không giải thể?
Qua nhiều năm có thể thấy ban lãnh đạo của Nosco vẫn tiếp tục đưa ra các định hướng hoạt động cho doanh nghiệp trong thời gian tới dù đội tàu đang “teo tóp” do chủ nợ liên tục phải thanh lý thu hồi nợ nhưng doanh nghiệp vẫn quyết “sống” để tạo dòng tiền trả lãi vay cho các ngân hàng. Các ngân hàng dường như đang mắc kẹt vốn mà khó có thể thu hồi từ Nosco nên chủ yếu dòng tiền Nosco tạo ra hàng năm chỉ đủ trả lãi vay cho chủ nợ còn hơn là giải thể doanh nghiệp thì ngân hàng dường như mất trắng cả vốn lẫn lãi.
Như phía Nosco từng chia sẻ, có bán đi tất cả tài sản cũng không thể nào bù đắp lại được cả gốc lẫn lãi cho các ngân hàng đã lỡ đổ tiền vào doanh nghiệp này. Như vậy việc để Nosco phá sản không hề có lợi cho cả phía doanh nghiệp cũng như bên ngân hàng.
Hoàng Kiều