Trong phiên họp ngày 01/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và thảo luận về nội dung báo cáo này.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu – trưởng đoàn giám sát cho biết sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015. Như vậy việc Việt Nam có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng rất khó có thể thực hiện được.
Theo như kết quả giám sát cho thấy còn ngổn ngang những việc chưa làm được, ở nhiều lĩnh vực tái cơ cấu còn chưa đạt yêu cầu.
Cụ thể về cơ chế chính sách vẫn còn chưa đủ mạnh để có thể thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công có sinh lời. Tình trạng đầu tư vẫn còn khá dàn trải, chất lượng công trình còn nhiều yếu kém.
Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn quá chậm chạp không có nhiều chuyển biến mới, việc thoái vốn còn khá chậm
Tuy nhiên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà – Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận nợ xấu và sở hữu chéo là hai điểm mấu chốt khiến cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra chậm chạp như hiện nay.
Về tình hình nợ xấu tính đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Tính theo tháng, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Nợ xấu và sở hữu chéo là “điểm nghẽn” của quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
NHNN cũng đã có hàng loạt các biện pháp quyết liệt để chỉ đạo xử lý nợ xấu, như quy định các NHTM chỉ được chia cổ tức khi đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng- VAMC đã ra đời như một công cụ tối ưu cho việc xử lý nợ xấu mà không sử dụng nguồn tiền từ ngân sách. Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng; thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, chỉ mỗi VAMC thì chưa thể đạt kết quả như kỳ vọng, NHNN cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề nan giải này.
Ngoài ra NHNN cũng đã nêu ra một số giải pháp tích cực nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo như đặt ra cơ chế tiếp nhận, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng; ra thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định.
Ngoài ra, biện pháp cũng được đưa ra như yêu cầu cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn từ các cổ đông cũ tại ngân hàng yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, huy động từ tổ chức tín dụng đó hoặc tổ chức, cá nhân khác.
Theo các chuyên gia những giải pháp trên được NHNN đưa ra về cơ bản là tích cực và phù hợp với hướng xử lý sở hữu chéo, góp phần làm lành mạnh hóa cấu trúc sở hữu của ngân hàng.
Hoàng Anh (TH)