Nợ xấu tăng lên: Tài sản thế chấp khó bán, làm sao phá 'cục máu đông'?

Các ngân hàng vẫn đang rất khó khăn trong việc thu hồi, xử lý nợ xấu. Vậy làm sao để giải quyết cục máu đông nợ xấu trong các ngân hàng hiện nay?

Ngân hàng chật vật thu hồi, xử lý nợ xấu

Nợ xấu tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Tính đến cuối quý II, có 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối tháng 6 ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, các ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh phát mãi tài sản để thu hồi nợ nhưng còn nhiều khó khăn.

Trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện ngày càng nhiều. Dù liên tiếp hạ giá khởi điểm song các ngân hàng vẫn khó thu hồi nợ, đặc biệt với các khoản nợ ngàn tỷ đồng. Không ít ngân hàng dù đã giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay mà tài sản đảm bảo được rao bán hàng chục lần vẫn ế.

Đơn cử, Agribank vừa rao bán lần thứ 11 khoản nợ của Marina Hotel. Giá khởi điểm lần này là 948,2 tỷ đồng, giảm gần trăm tỷ so với lần rao bán trước đó. Hồi tháng 10 năm ngoái, giá khởi điểm cho khoản nợ được đưa ra là gần 1.031 tỷ đồng.

Mới đây Sacombank thông báo đấu giá các khoản nợ của CTCP Thuỷ Hải Sản Sài Gòn (APT) với mức giá khởi điểm hơn 846 tỷ đồng, chưa bằng một nửa tổng nghĩa vụ nợ.

Các ngân hàng phải đối mặt với nhiều lý do khiến các khoản nợ ngàn tỷ của họ ngày càng trở nên căng thẳng.

Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, quá trình thu hồi tài sản thế chấp nhằm khắc phục nợ xấu còn phát sinh nhiều bất cập, chủ yếu do các quy định pháp luật không rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa hiệu quả và sự trì hoãn trong việc xử lý án.

Như trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại BIDV với khoản nợ 5.600 tỷ đồng, tài sản thế chấp là dự án Kenton không chỉ có thanh khoản kém mà còn đang được đóng thế chấp tại 3 ngân hàng khác nhau.

Với tài sản đảm bảo là xe ô tô, vốn được coi là dễ xử lý và chuyển nhượng hơn bất động sản, nhưng cũng còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là các tài sản này có thể di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau, dẫn đến trường hợp không xác định được tài sản thế chấp ở đâu. Do chưa có quy định pháp luật hướng dẫn thực tế nên công tác xác minh, kê biên tài sản, thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu tăng lên: Tài sản thế chấp khó bán, làm sao phá 'cục máu đông'? - Ảnh 1

Khi nhận thế chấp các tài sản là động sản như xe ô tô, các ngân hàng chỉ giữ giấy tờ pháp lý chứ không thu giữ tài sản thực tế. Lợi dụng điều này, một số khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản, không cung cấp thông tin liên quan, ẩn giấu tài sản lúc nơi này, lúc nơi khác, thậm chí bán cho bên thứ ba mà không thông báo cho ngân hàng nhằm cố tình không chấp hành án.

Pháp luật hiện hành chưa có chế tài mạnh mẽ trong việc xử lý các hành vi cố tình trì hoãn thi hành án khiến công tác thu hồi nợ của các ngân hàng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngay cả khi đã thu hồi được xe, các ngân hàng cũng không dễ thanh lý các tài sản này để thu hồi nợ. Dù mức giá mà ngân hàng đưa ra rất hấp dẫn nhưng nhiều khách hàng vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với xe thanh lý, do e ngại thủ tục pháp lý phức tạp, tình trạng xe xuống cấp hay đơn giản là sợ vận đen từ chủ xe cũ.

Làm sao giải quyết "cục máu đông" nợ xấu?

Theo giới chuyên gia, để giải quyết tình trạng nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm. Đó là phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản.

Vì đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và chủ yếu nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, khi 80-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, nếu muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản, còn nếu thị trường bất động sản vẫn "đóng băng", ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu.

VAMC đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, tránh khoảng trống pháp lý kéo dài, nhất là khi NHNN đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 3% trong năm nay.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, để cả tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ để có thể thực hiện hiệu quả việc xử lý nợ xấu.

Nợ xấu tăng lên: Tài sản thế chấp khó bán, làm sao phá 'cục máu đông'? - Ảnh 2

Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các tổ chức tín dụng chỉ được phép bán nợ xấu của các dự án bất động sản cho các công ty có chức năng kinh doanh mua bán nợ mà không được bán cho những người khác, vì vậy không dễ tìm được người mua phù hợp.

Các tổ chức tín dụng đang rất lo lắng, bởi trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhưng hiện tại chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Nếu người dân chây ỳ không trả nợ, các tổ chức tín dụng cũng không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ.

Theo nhiều chuyên gia, việc NHNN gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và các ngân hàng vẫn phải đề cao cảnh giác với tình trạng nợ xấu “ẩn mình” dưới dạng cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Về lâu dài, các chuyên gia đề xuất cần có hành lang pháp lý mới, đồng bộ hơn để giải quyết bài toán “cục máu đông” nợ xấu. Trong đó, cần sửa đổi Luật Dân sự để phù hợp hơn với thực tiễn, có quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng trả nợ mà chây ỳ không trả nợ.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, không thể để ngân hàng “đơn thương độc mã” mà cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương mới giải quyết được.

Theo ông Huân, phải tinh gọn quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo; sửa đổi luật liên quan phù hợp hơn với thực tiễn như Luật Dân sự… quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng mà chây ỳ không trả nợ.

Các chuyên gia cũng lưu ý, chỉ khi kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mới giảm được rủi ro nợ xấu. Với các ngân hàng thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giải pháp căn cơ đối với vấn đề nợ xấu vẫn là nâng cao chất lượng tín dụng.

Minh Dũng

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục