Nợ xấu hiện ở mức 130 nghìn tỷ đồng!

(Kindhoanhnet) - Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 6/2016, dư nợ tín dụng với toàn bộ nền kinh tế ở mức 5,037 triệu tỷ đồng, tăng 8,21% so với cuối năm trước.

Nợ xấu hiện ở mức 130 nghìn tỷ đồng! - Ảnh 1
Theo Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ nợ xấu chỉ 2,58% trên tổng dư nợ, tức khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Số liệu của NHNN cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cùng thời điểm là 2,58% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu này tương đương con số tuyệt đối là xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng. Tình hình nợ xấu của các công ty tài chính, tài chính tiêu dùng, tín dụng vi mô… không được công khai mà chỉ có các ngân hàng có báo cáo tài chính.

Số liệu do chính các ngân hàng công bố cho thấy đến cuối quý 2 năm nay chỉ riêng 9 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán có tổng nợ xấu lên đến 43.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm trước. Trong đó riêng 3 ngân hàng lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank đã chiếm tới 26.000 tỷ, tương đương khoảng 20% tổng nợ xấu.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng con số nợ xấu 130 nghìn tỷ là chưa chính xác. Bởi nếu đúng thì cơ quan quản lý chẳng cần phải sốt ruột với việc đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu đến như vậy vì các ngân hàng có thừa sức để tự xử lý được "ung nhọt" này. Ngay cả khi họ không xử lý dứt điểm luôn mà bán cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt thì trong thời gian 5 năm trích lập dự phòng rủi ro cũng chuyển hết nợ xấu về nợ đẹp.

Với những thông tin từ BCTC hợp nhất quý 2/2016 đã được công bố của đa số các ngân hàng thương mại (NHTM), bức tranh nợ xấu năm 2016 của cả hệ thống đã dần được định hình. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng này đều dưới 3% và có mức độ thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm, trừ trường hợp đặc biệt là Eximbank (HOSE: EIB). Tuy nhiên, nguyên nhân nằm ở quy mô của mẫu số trong công thức tính nợ xấu gia tăng mạnh giúp tỷ lệ nợ xấu không tăng quá nhanh, trong khi thực tế, đã có những ngân hàng có tốc độ gia tăng giá trị tuyệt đối của nợ xấu gấp nhiều lần so với tốc độ tăng dư nợ cho vay trong 6 tháng đầu năm 2016.

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2016 đã được CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – VCBS công bố, nhóm nghiên cứu cho biết tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng từ cuối năm 2015. Tính đến hết quý 1/2016, tỷ lệ nợ xấu theo thống kê từ NHNN là 2.62%, cao hơn mức 2.55% cuối năm 2015. Bên cạnh yếu tố “mô típ” từ năm 2010 đến nay (tỷ lệ nợ xấu báo cáo thường thấp vào cuối năm), VCBS cho rằng đây có thể là hệ quả tất yếu của việc gia tăng tín dụng bất động sản trong năm 2015.

Tính tới thời điểm hết quý 2/2016, những cái tên có tốc độ gia tăng nợ xấu gấp nhiều lần so với tốc độ tăng dư nợ cho vay – hay nói cách khác, đây là những ngân hàng có “triển vọng” tiếp tục là khách hàng thân thiết của VAMC đã dần lộ diện. Và cũng không quá bất ngờ khi những cái tên được nhắc đến là một trong số những ngân hàng nắm giữ trái phiếu đặc biệt* do VAMC với giá trị lớn nhất.

Nếu xếp quy mô dư nợ cho vay theo từng nhóm, thì nhóm đầu tiên với quy mô đứng đầu thị trường (quy mô dư nợ cho vay lớn hơn 400,000 tỷ đồng, bao gồm: BIDV, CTG và VCB), ngân hàng BIDV (HOSE: BID) đang giữ vị trí top đầu về nợ xấu. Mặc dù xét về quy mô dư nợ cho vay tính đến 30/06/2016, BIDV chỉ cao hơn VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB) lần lượt 11% và 54% nhưng xét về quy mô giá trị nợ xấu, BIDV gấp gần 2.5 lần so với VietinBank và gần gấp đôi Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV cũng đã vượt 2%, trong khi theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 thông qua, HĐQT cam kết sẽ giữ nợ xấu dưới 2%.

Khánh Ngân (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục