Nhiều ngân hàng lãi lớn
TPBank vừa gây bất ngờ khi báo lãi 263 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, tương đương 120% so với kế hoạch 6 tháng và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đối với BIDV, ngân hàng cũng cho biết trong vòng 5 tháng đầu năm đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2014 của Vietcombank ước đạt khoảng 912 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng trưởng 8% do NIM được cải thiện. Huy động vốn tính đến hết quý II/2014 của Vietcombank tăng khoảng 7,5% so với cuối năm 2013.
Ngân Hàng TMCP Quân Đội (MBB) trong quý II/2014 đạt 670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại Sacombank lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Theo lãnh đạo nhà băng này, 2 quý đầu năm ước hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 3.000 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy rằng trong thời gian qua mặc dù thị trường tài chính còn gặp phải rất nhiều khó khăn, tuy nhiên những ngân hàng này vẫn nỗ lực tìm được đầu ra, nhờ đó đảm bảo được kế hoạch kinh doanh của mình trong năm 2014 này.
Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng cao
Mặc dù các ngân hàng đều báo lãi tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế thì các khoản lợi nhuận này vẫn chưa thể nói lên được điều gì.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý II/2014, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 3,52%. Nguyên nhân được thống đốc ngân hàng Nhà nước đưa ra là do do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu khiến cho tín dụng tăng trưởng thấp trong giai đoạn vừa qua.
Nhiều đơn vị công bố mức tăng trưởng tín dụng khá cao như: Vietcombank đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong toàn hệ thống đạt 6,63%. TPBank có mức tăng trưởng tín dụng đạt 8,8%; trong đó, dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Là thành viên lớn trong khối cổ phần, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng trưởng tín dụng khá cao với 10,3%.
Bên cạnh các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao thì cũng có không ít các đơn vị có mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí không tăng. Tiêu biểu như VietinBank, trong nhiều năm qua ngân hàng này là một trong những đầu tàu tín dụng của toàn hệ thống nhưng 6 tháng qua, mức tăng chỉ đạt 3%, thấp hơn mức tăng 3,52% toàn ngành…
Nợ xấu “đánh bay” lợi nhuận ngân hàng?
Không chỉ tăng trưởng tín dụng thấp mà tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống trong thời gian qua cũng liên tục tăng cao trở lại trên mức 4%. Đại diện nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, dù đã ra sức xử lý nợ xấu, nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng lên. Trong 5 tháng đầu năm, riêng khu vực TP.HCM đã xử lý được trên 6.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng thu bằng tiền mặt chỉ được hơn 300 tỷ đồng.
Bán nợ xấu cho VAMC hiện cũng không thể giải quyết triệt để tận gốc nợ xấu, các ngân hàng cần phải trích 20% dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu…
Tỷ lệ nợ xấu tăng cao khiến cho chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại nói chung trong nửa đầu năm nay dự tính sẽ tiếp tục tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng. Như Vietcombank vừa công bố khoản dự phòng rủi ro là 2.400 tỷ đồng (xấp xỉ lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng này) và VIB dự phòng 598 tỷ đồng (gấp gần 4 lần lợi nhuận 6 tháng)… Còn một số ngân hàng vẫn chưa hề đề cập tới vấn đề này.
Trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện nhiều hiệu quả hoạt động, những khoản nợ này vẫn còn tồn tại chiếm tỷ trọng khá cao sẽ đe dọa kết quả kinh doanh bởi nhiều khi chỉ một khoản nợ xấu cũng đủ đánh bay lợi nhuận của các ngân hàng.
Việc trích lập dự phòng quy mô lớn có thể giúp cho các ngân hàng chủ động hơn nhằm hạn chế những “cú sốc” khi Thông tư 09 được thực hiện một cách đầy đủ vào đầu năm tới, cùng cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm buộc phải chấm dứt. Tuy nhiên nó lại ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các ngân hàng.
H.C (Tổng hợp)