Nợ xấu của Ngân hàng VIB tăng mạnh

Nợ xấu tăng mạnh và khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu giảm đi. Đó là viễn cảnh đang diễn ra tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính, trong quý 1/2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (TOI) hợp nhất đạt 4.929 tỷ đồng (tăng trên 19% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần ngoài lãi đạt lần lượt 4.304 tỷ đồng (tăng trên 22%) và 625 tỷ đồng (tăng 0,8%). Thu nhập lãi thuần tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) gia tăng (tăng 30bps) đạt 4,7% khi mà tăng trưởng tín dụng âm -1,3% (tính từ đầu năm).

Trong kỳ, VIB cũng phải trích lập dự phòng lên 668 tỷ đồng (tăng gần 70% so với cùng kỳ) do nợ dưới chuẩn có xu hướng gia tăng mạnh so với cùng kỳ và so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động trong quý 1/2023 cũng tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 1.568 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ mức độ vận hành hiệu quả của ngân hàng thông qua tỷ lệ % của tổng chi phí hoạt động trong tổng doanh thu của ngân hàng (CIR) đạt gần 32%. Mức CIR này đã giảm -350bps so với cùng kỳ và -250 bps so với cả năm 2022.

Nợ xấu của VIB tăng mạnh và khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu giảm đi.
Nợ xấu của VIB tăng mạnh và khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu giảm đi.

Về lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý đầu năm 2023 đạt 2.693 tỷ đồng (tăng trên 18% so với cùng kỳ) và mới chỉ đạt 22% kế hoạch cả năm. Trong khi chất lượng tài sản tại 31/3/2023 có sự sụt giảm so với cuối năm 2022 khi nợ xấu (NPL) tăng mạnh và khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu (LLR) giảm đi.

Theo đó, NPL và nợ nhóm 2 tại cuối quý 1/2023 đạt lần lượt 3,64% và 5,43%, tăng đáng kể so với mức 2,45% và 4,38% tại cuối năm 2022 và 2,39% và gần 3,1% tại cuối quý 1/2022. LLR cũng giảm từ mức gần 54% tại 31/12/2023 xuống còn 38% tại 31/3/2023.

Về chất lượng nợ, nợ cần chú ý của VIB tại ngày 31/3/2023 là hơn 12.400 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là trên 3.700 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là hơn 2.400 tỷ đồng, còn nợ có khả năng mất vốn là gần 2.200 tỷ đồng.

Bán bảo hiểm giảm mạnh

Theo Chứng khoán MB, cơ cấu danh mục cho vay theo ngành của VIB bao gồm 3 mảng chính: cho vay mua nhà, mua xe và cho vay kinh doanh chiếm 90% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 50-55% tổng dư nợ cho vay. Cho vay mua xe chiếm 6% thị phần mảng này trên thị trường, đứng thứ 2 toàn ngành sau VPBank. Cho vay thẻ tín dụng chiếm 8% tổng danh mục cho vay.

Mặc dù hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng chung toàn ngành đều cố gắng giảm lãi suất cho vay nhưng NIM của VIB vẫn được duy trì so với quý trước. NIM trong quý 1/2023 đạt 4,7%, đi ngang so với quý 4/2022 dù chi phí vốn (COF) đã tăng đáng kể từ 4,3% lên 4,8%.

Doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm quý 1/2023 của VIB giảm mạnh, gần 45% so với năm trước, giảm gần 68% so với quý trước.
Doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm quý 1/2023 của VIB giảm mạnh, gần 45% so với năm trước, giảm gần 68% so với quý trước.

Thu nhập ngoài lãi (NOI) giảm trong quý 1/2023 so với cùng kỳ 4,5% do mảng bảo hiểm liên kết (banca) suy giảm bù trừ sự gia tăng từ mảng thu phí thanh toán. Doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) trong quý 1/2023 giảm mạnh, chỉ đạt 118 tỷ đồng (giảm gần 45% so với năm trước, giảm gần 68% so với quý trước).

Theo phân tích của Chứng khoán MB: “Hoạt động tín dụng kém khởi sắc kéo theo nhu cầu mua bảo hiểm suy giảm trong 3 tháng đầu năm khiến hoạt động banca của toàn ngành ngân hàng đều suy giảm rõ rệt. Ngoài ra các tin tức liên quan đến sự thiếu minh bạch của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng khiến lòng tin của người mua dành cho sản phẩm này giảm đi”.

Trái phiếu doanh nghiệp và tài trợ dự án bất động sản chiếm 2,5% tổng dư nợ của VIB tại cuối quý 1/2023.

Về các thông tin này, PV đã liên hệ đến VIB nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.

Thanh Tùng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục