Đến nay, cả nước có hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền lên đến hơn 14 nghìn tỷ đồng nhưng chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào bị khởi kiện.
Nợ bảo hiểm lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết 31/10, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 197.596 tỷ đồng, đạt gần 78% kế hoạch. Tổng số nợ là 14.237 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm gần 68% tổng số nợ. Nhiều địa phương có số doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng ở mức cao như Bạc Liêu (20%), Bình Định (18,8%), Đắc Nông (19,5%), Hòa Bình, Lạng Sơn, Long An, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Sơn La, Trà Vinh, Tuyên Quang trên 10%…
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là con số đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Theo đại diện Bộ LĐTB-XH, thực tế các doanh nghiệp nợ tiền nộp BHXH không phải là nợ nhà nước hoặc Quỹ BHXH mà là nợ chính những người lao động. Trước đây, phần lớn doanh nghiệp nợ tiền BHXH là do khó khăn, không cân đối được thu chi. Tuy nhiên hiện nay, nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chây ỳ nộp để chiếm dụng của người lao động, tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH , BHYT, BHTN xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Thậm chí có tình trạng DN đã trích trừ tiền lương của người lao động nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác, không nộp vào quỹ. Nguyên nhân một phần là do mức lãi suất quy định cho các khoản nợ BHXH so với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện có sự chênh lệch quá lớn khiến DN mặc nhiên chiếm dụng tiền BHXH làm vốn. Hơn nữa, chế tài xử phạt hành chính đối với các DN vi phạm BHXH chưa đủ sức răn đe. Về phía người lao động thì lại không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết mặc dù từ ngày 1/1/2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện DN nợ BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có vụ kiện nào được đưa ra xét xử.
Vì vậy, ông Mai Đức Chính yêu cầu từ nay đến cuối năm, mỗi tỉnh, thành phố phải khởi kiện 10 đến 15 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT ra tòa, đồng thời công khai danh tính các doanh nghiệp này trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, 15 tỉnh được lựa chọn thí điểm phải xúc tiến ngay việc khởi kiện.
Ông Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các tỉnh đề xuất với UBND các cấp…cương quyết xử lý các doanh nghiệp chây ỳ: “Chúng tôi một mặt Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ đi giám sát, đồng thời kiểm tra và tháo gỡ những khó khăn của địa phương khi tổ chức khởi kiện những doanh nghiệp nợ đóng mà vi phạm theo quy định của pháp luật. Chúng ta vừa tuyên truyền nhưng vừa giáo dục, vừa thuyết phục nhưng cũng phải dùng các biện pháp theo quy định của pháp luật. Nếu các đơn vị mà cố tình vi phạm, xử phạt không xong thì phải xử lý đến trách nhiệm hình sự những đơn vị này thì mới có tính dăn đe, mới tốt lên được”.
Thu Hà (TH theo VOV, Người lao động)