Những sai lầm khi chế biến gan lợn

(Kinhdoanhnet) - Gan lợn được biết đến là loại thực phẩm giàu protein, sắt, vitamin A…. Tuy nhiên, việc chế biến sai cách có thể biến gan lợn thành độc tố, gây hại cho sức khỏe.

Thông tin trên Báo Sức khỏe & đời sống, DS Hữu Bảo cho biết, theo dinh dưỡng học cổ truyền, gan lợn vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng dưỡng huyết, bổ can, minh mục, rất thích hợp với các chứng can âm huyết hư gây ra tình trạng hai mắt bị khô, nhìn mờ, thị lực giảm sút, chứng khí huyết hư tổn dẫn tới suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh....

Những sai lầm khi chế biến gan lợn - Ảnh 1
Gan lợn có tác dụng phòng và chữa bệnh thiếu máu

Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, can và mắt có quan hệ chặt chẽ với nhau, can khai khiếu ra mắt, cho nên việc dùng gan động vật để phòng chống các bệnh về mắt là rất hợp lý. Đây cũng là biểu hiện sinh động của thuyết “dĩ tạng bổ tạng, dụng hình trị hình” (lấy tạng bồi bổ tạng, lấy vật hữu hình chữa bệnh hữu hình).

Theo dinh dưỡng học hiện đại, gan lợn chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng và các vitamin. Trong đó sắt và vitamin A là hết sức phong phú và các thức ăn khác không thể sánh được. Ước tính trong 100g gan lợn có chứa tới 12mg sắt, đây là nguyên liệu tạo ra huyết sắc tố, có tác dụng phòng và chữa bệnh thiếu máu.

Tuy nhiên, vì gan là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc trong cơ thể nên tại bộ phận này cũng tập trung nhiều chất cặn bã có hại cho sức khỏe. Trong gan có chứa nhiều ký sinh trùng như sán, nhiều virus gây bệnh mà điển hình là virus viêm gan ở những động vật có bệnh viêm gan. Đồng thời, chính vì chứa nhiều protein và cholesterol nên gan cũng như các cơ quan nội tạng động vật khác không có lợi cho những người mang bệnh tim mạch, tiểu đường, cholesterol máu, rối loạn chuyển hóa protein....

Những sai lầm khi chế biến gan lợn - Ảnh 2
Chỉ nên ăn các món chế biến từ gan lợn khi chúng đã chín hẳn

Do đó, các bà nội trợ cần tránh những sai lầm khi chế biến gan lợn sau để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình:

- Chọn phải gan của con lợn có bệnh: Gan của những con lợn có bệnh thường không có màu đỏ tươi, bề mặt gan có nốt sần. Khi ấn tay vào không có độ đàn hồi mà cảm giác nhão, chảy nước. Gan lợn bệnh còn xuất hiện những nốt sần, màu vàng hoặc tím sẫm, mùi hôi. Loại gan này cực kỳ độc hại, tuyệt đối không nên mua về ăn.

- Chế biến gan chưa chín hẳn: Trong gan có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, hoặc các virus gây bệnh. Nếu gan không được nấu chín hẳn, còn tái sẽ không diệt hết được các loại virus, ký sinh trùng này. Và ăn loại gan này tức là bạn đang đem mầm bệnh nguy hiểm vào người. Do đó, nếu muốn ăn những món ăn từ gan lợn thì hãy đảm bảo là chúng đã chín hẳn. 

- Trước khi chế biến không bóc lớp màng trên bề mặt, bóp hết máu đọng trong miếng gan lợn: Lượng máu đọng trong gan chứa rất nhiều độc tố mà gan chưa kịp đào thải, vì vậy trước khi chế biến bạn cần bóp hết lượng máu đọng này. Đồng thời, hãy bóc bỏ lớp màng mỏng trên bề mặt gan để việc vệ sinh gan được triệt để.

Dung Nguyễn (Theo SKCĐ, SK&ĐS) 


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục