Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022

Bước sang tháng 6/2022, nhiều chính sách pháp luật mới sẽ chính thức được áp dụng mang đến những ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của người dân.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Theo Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 25/6/2022) hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:

- Học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ:

+ Đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử.

+ Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022 - Ảnh 1

Ngày 30/6 là hạn cuối giảm lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC, quyết định giảm hàng hàng loạt các loại phí, lệ phí. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến việc giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chíp.

Mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022. Sau ngày này, người dân đi làm Căn cước gắn chíp sẽ phải trả theo mức phí được quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC. 

Ngoài ra, ngày 30/6/2022 cũng là hạn cuối áp dụng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành…

Từ 10/6, không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức ngành y tế

Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Trong đó, Thông tư 03/2022/TT-BYT cho biết không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Theo đó, đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng).

Bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ chính (hạng II) yêu cầu phải tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng). Bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ (hạng III) yêu cầu phải tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng). Bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Thông tư 03/2022/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2022 chỉ yêu cầu viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Từ 1/6, phạt xe không dán thẻ thu phí tự động đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, hình thức xử phạt sẽ là phạt nguội để đảm bảo an toàn giao thông và tính minh bạch.

Khoản 3, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Các xe không đủ điều kiện bao gồm: Xe không gắn thẻ đầu cuối (xe chưa dán thẻ thu phí không dừng) hoặc xe đã dán thẻ thu phí không dừng mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí.

Ngoài ra, lái xe khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Như vậy, từ ngày 1/6, các xe chưa được dán thẻ thu phí không dừng hoặc đã dán thẻ và có tài khoản thanh toán nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để qua trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ bị phạt mức từ 1-2 triệu đồng.

Mai Anh

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục