Nhựa sinh thái Việt Nam: Lãi tăng 70%, nhưng dòng tiền kinh doanh vẫn âm triền miên

Trong quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Nhựa sinh thái Việt Nam tăng trưởng 69,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, doanh thu thuần của Nhựa sinh thái Việt Nam đạt 106 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 3,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ đồng.

Luỹ kế sau 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của Nhựa sinh thái Việt Nam đạt 207,9 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 5,8 tỷ đồng.

Theo giải trình của Nhựa sinh thái Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của doanh nghiệp tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2023 là do công ty gia tăng hoạt động bán hàng và tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Nhà máy của Nhựa sinh thái Việt Nam.
Nhà máy của Nhựa sinh thái Việt Nam.

Tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Nhựa sinh thái Việt Nam là 71,7 tỷ đồng, chiếm 25% tổng nguồn vốn và tăng hơn 18 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp là nợ ngắn hạn, đặc biệt là nợ vay (chiếm 56,7% tổng số nợ).

Tổng tài sản của Nhựa sinh thái Việt Nam tính đến ngày 30/6/2024 là 287,9 tỷ đồng. Con số này hồi đầu năm là 264 tỷ đồng. Tài sản của doanh nghiệp tập trung hơn 50% là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính của Nhựa sinh thái Việt Nam là dòng tiền kinh doanh âm triền miên. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm tới 10,3 tỷ đồng, con số này vào cùng kỳ năm 2023 là âm 58,4 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc âm dòng tiền kinh doanh cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến doanh nghiệp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống… Thậm chí có thể sẽ mất khả năng thanh toán.

Cổ phiếu sắp lên sàn UPCoM

Được biết, Nhựa sinh thái Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị để đưa 20 triệu cổ phiếu lên hệ thống giao dịch UPCoM với mã chứng khoán dự kiến là ECO.

Cụ thể, ngày 12/7 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc Công ty cổ phần Nhựa sinh thái Việt Nam chính thức trở thành công ty đại chúng. Doanh nghiệp này cũng đã thông báo đến cổ đông nhằm chốt danh sách để đăng ký lưu ký tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), cũng như đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tổng Giám đốc Nhựa sinh thái Việt Nam Nguyễn Hữu Dương.
Tổng Giám đốc Nhựa sinh thái Việt Nam Nguyễn Hữu Dương.

Theo đó, dự kiến trong thời gian quý III đến quý IV năm nay, Nhựa sinh thái Việt Nam sẽ đăng ký giao dịch 20 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Thành lập vào tháng 3/2015 với vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, Nhựa sinh thái Việt Nam khởi đầu từ nhà máy có diện tích hơn 3,600m2, sản xuất 150 tấn sản phẩm/tháng, đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Đến năm 2017, Nhựa sinh thái Việt Nam tăng vốn lên 20 tỷ đồng thông qua hình thức cổ đông chuyển nợ thành vốn góp và phát hành 140 ngàn cổ phiếu. Công suất nhà máy sau đó tăng hơn 20%, đạt 200 tấn sản phẩm/tháng do nâng cấp thêm một số hế thống, thiết bị. Doanh thu năm này đạt 143 tỷ đồng.

Cũng với hình thức huy động trên, năm 2019, vốn điều lệ công ty lên 50 tỷ đồng. Công suất nhà máy tiếp tục được nâng lên 300 tấn sản phẩm/tháng và sau đó là 600 tấn/tháng vào năm 2020. Doanh thu năm 2019 lên mức 182 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh nghiệp bao bì nhựa có 2 đợt liên tiếp chào bán cổ phần cho cổ đông, đưa vốn đạt con số 200 tỷ đồng. Thời điểm này, Nhựa sinh thái Việt Nam đầu tư sở hữu 45,71% vốn Công ty cổ phần Nhựa Tân Quang. Công ty này có vốn điều lệ 70 tỷ đồng và kinh doanh thương mại hạt nhựa; địa chỉ cũng tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tính đến tháng 11/2023 – ngày đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng – Nhựa sinh thái Việt Nam có 117 cổ đông, trong đó 114 cổ đông không phải cổ đông lớn, sở hữu tỷ lệ 58.75% vốn.

Đến cuối quý I/2024, 3 cổ đông lớn nắm 41,25% gồm ông Nguyễn Văn Bình (20%), ông Nguyễn Hữu Dương (11,25%) và ông Nguyễn Đình Tuấn (10%). Cả 3 người đều nằm trong HĐQT, trong đó ông Bình giữ chức Chủ tịch, còn ông Dương kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc. Ngoài ra, thành viên HĐQT còn có ông Nguyễn Thành An (thành viên độc lập) và ông Đào Quốc Hùng.

Trước khi lên vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1956) có 5 năm làm cố vấn chiến lược cho Nhựa sinh thái Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2022. Ông từng là thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam thời kỳ 2009 – 2016. Hiện vợ ông Bình là bà Nguyễn Thị Lương nắm 4,9% vốn Nhựa sinh thái Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Hữu Dương (1976) tham gia vào công ty từ năm 2019 với vai trò Giám đốc Tài chính và được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ tháng 9/2022. Ông Dương từng có thời gian dài làm cho Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (HNF).

Linh Lang

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục