Năm 2014, tổng nợ xấu chiếm 3,25%.
Đến cuối tháng 12.2014, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 3,25% tổng dư nợ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nợ xấu liên tục tăng và đặc biệt tăng mạnh trong tháng 6.2014 do tác động của việc thực hiện Thông tư 02. Do những điều khoản chặt chẽ hơn về việc phân loại nợ được quy định trong Thông tư 02, số dư nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã chuyển hướng giảm liên tiếp trong 6 tháng cuối năm 2014.
Theo số liệu của NHNN về việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, hiện các TCTD tiếp tục tích cực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Dự phòng rủi ro tín dụng còn lại của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 12.2014 đạt 75,49 nghìn tỉ đồng, tăng 5,7 nghìn tỉ đồng (8,2%) so với cuối năm 2013.
Đáng chú ý, về kết quả xử lý nợ xấu, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong năm 2014 đạt 143,5 nghìn tỉ đồng. Do kiên quyết trong việc bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tích cực trích lập dự phòng rủi ro, khách hàng trả nợ. Quan trọng nhất là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân, trong đó, chủ yếu là bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Làm thế nào để đưa nợ xấu về 3%?
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đặt mục tiêu trong năm 2015 đưa tỉ lệ nợ xấu về mức dưới 3% so với tổng dư nợ. Ngay từ đầu năm, Thống đốc “áp” chỉ tiêu cụ thể cho các TCTD là đến ngày 30.6.2015, các TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% chỉ tiêu kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015. Việc bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% chỉ tiêu cả năm 2015.
Để đạt được mục tiêu này, các TCTD đưa ra phương thức xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC, đồng thời VAMC từng bước triển khai mua nợ theo giá thị trường theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung. Trong đó VAMC được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng, thay vì mức 500 tỉ đồng như áp dụng tại Nghị định 53. Trước đó, Thống đốc NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC trong năm 2015 với tổng giá trị tối đa 80.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, vấn đề pháp lý vẫn được coi là “tảng đá” cản trở về mua, bán và xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Mới đây, NHNN ký kết hợp tác với Bộ Tư pháp về Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự liên quan tới ngân hàng. Chính phủ đã yêu cầu NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý nợ, tài sản bảo đảm, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, xét xử, thi hành các vụ án liên quan đến vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, về phía NHNN cần có công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, giám sát thường xuyên các TCTD trong việc triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 đã được phê duyệt.
NHNN dựa trên kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu làm cơ sở quan trọng để xét cấp phép mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, kiểm soát tăng trưởng cho các TCTD. TCTD phải phân loại nợ và trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. TCTD nào có tỉ lệ nợ xấu cao (trên 3%), đặc biệt các TCTD không tích cực, chủ động xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC sẽ bị kiên quyết xử lý bằng các biện pháp mạnh mẽ.
Theo ANTT