Tổng giám đốc MB Lê Công:
“Không phải bằng mọi giá đạt mục tiêu”
Tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) cả năm 2014, do NHNN đặt ra ngay từ đầu năm, khoảng 12 -14% là mục tiêu điều hành của NHNN và định hướng cho các NHTM triển khai hoạt động kinh doanh của mình, chứ không phải chúng ta phải đạt được con số tăng trưởng trên bằng mọi giá. Để hỗ trợ TTTD, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao sức mua của nền kinh tế để giải phóng lượng hàng hóa tồn kho. Bởi khi hàng hóa tồn kho chưa giải quyết thì các DN sẽ không “mặn mà” trong việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cho dù có được vay với lãi suất thấp.
Chất lượng tín dụng mới là quan trọng.
Để giải quyết vấn đề này cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng đầu tư một số công trình trọng điểm, các công trình phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ (TPCP) tập trung cho các dự án tạo sức lan tỏa lớn.
Ở chiều ngược lại, bản thân các DN cần chủ động, tích cực triển khai các biện pháp để giải quyết bài toán hàng tồn kho như nâng cao năng suất lao động để có thể giảm giá bán sản phẩm, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, tăng cường sự phối hợp, liên kết với cộng đồng DN, với các hiệp hội, ưu tiên sử dụng dịch vụ sản phẩm của các DN Việt Nam…
Thời gian tới, các NHTM tập trung nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 5 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Hay nói cách khác, các NHTM cần xây dựng định hướng kế hoạch TTTD phù hợp, bám sát theo các chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN và chính quyền địa phương các cấp. Bởi lẽ, các lĩnh vực ngành nghề được ưu tiên phát triển sẽ có nhiều cơ hội đầu tư, thu hút được sự quan tâm của các DN, các nhà đầu tư, nên sẽ làm tăng nhu cầu về nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên thường được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc tài trợ cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phần nào hạn chế bớt rủi ro cho NH, đặc biệt là các rủi ro về chính sách.
Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê:
“Cơ hội để NH cơ cấu lại nguồn vốn”
TTTD hiện chưa đạt tốc độ như kỳ vọng, nhưng theo quan điểm của tôi, không quá đáng lo mà ngược lại việc tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua là cơ hội để dòng vốn dịch chuyển đến khu vực, ngành hàng hoạt động hiệu quả, ngành hàng mục tiêu tạo điều kiện tái cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế. Điều đó mới là quan trọng nhất chứ không phải chạy theo số lượng. Với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng đang có dấu hiệu cải thiện, sức cầu chuyển biến tốt hơn, thị trường xuất khẩu tiềm năng, tỷ giá ổn định… tôi nghĩ rằng sẽ tác động tích cực đến TTTD đạt được ít nhất ở mức 12%.
Tuy nhiên, muốn đạt TTTD như mong muốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì tôi nghĩ rằng không chỉ riêng trách nhiệm của ngành NH mà còn cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong vấn đề làm sao kích cầu nền kinh tế. Còn nếu cứ để các DN tự bơi, tìm kiếm đầu ra, nhất là trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay thì rất khó để DN vượt khó.
Vì vậy, theo tôi cần phải quy hoạch lại nhóm ngành hàng mục tiêu, nhiều tiềm năng để từ đó tìm kiếm các thị trường đầu ra quốc tế hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa. Ngay cả thị trường trong nước các DN cũng cần hỗ trợ để tìm được đối tác tốt. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, các NH nên đưa ra chương trình tín dụng riêng cho DNNVV theo nhóm ngành hàng, và theo đặc thù.
Song song với đó cần phát huy vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Tuy đã thành lập từ lâu nhưng Quỹ này chưa phát huy tác dụng do quy mô vốn ít, phối hợp giữa chính quyền địa phương với NH chưa tốt nên hoạt động không hiệu quả.
Vì vậy, tuy dự án đã được Quỹ bảo lãnh nhưng NH vẫn phải thẩm định lại hồ sơ dự án vay vốn DN vì nhiều lý do: năng lực tài chính, báo cáo tài chính không minh bạch… nên tỷ lệ DNNVV vay vốn qua quỹ không cao. Vì vậy thời gian tới cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm, thay đổi cách hoạt động của Quỹ bảo lãnh DNNVV theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn như xếp hạng DNNVV, quy hoạch khuyến khích cho vay bảo lãnh đối với DN đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm chất lượng cạnh tranh…
Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng:
“Nên linh hoạt điều chỉnh chính sách”
Thái độ linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu TTTD là khoa học và phù hợp với thực tiễn. Vấn đề không phải là làm sao “đẩy” được vốn ra mà làm thế nào để nguồn vốn tín dụng khi “bơm” ra được các DN hấp thụ hiệu quả, tạo ra doanh thu thực sự. Điều này có nghĩa là dòng vốn chảy vào nền kinh tế đã hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Do vậy, vấn đề TTTD không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành NH mà cũng cần có sự hợp sức của các Bộ ngành có liên quan. Thời gian qua, NHNN đã đưa ra rất nhiều chính sách tín dụng nhưng việc giải ngân vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Về phía NH, chúng tôi cũng đã làm tất cả những gì có thể để chia sẻ với khách hàng như giảm tối đa có thể các loại phí và lãi suất cho vay. Cơ cấu lại các khoản nợ gốc, nợ lãi... Đến thời điểm này có thể nói, lãi suất không còn là vấn đề đối với người vay vốn nữa mà là thị trường tiêu thụ và việc DN có dự án chứng minh được tính khả thi và hiệu quả để NH tiếp tục cho vay mới, có điều kiện trả các khoản nợ cũ.
Theo Thời báo Ngân hàng