Theo đánh giá của NFSC, trong 9 tháng năm 2014, mức độ phục hồi kinh tế còn thấp so với mục tiêu cũng như tiềm năng của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Vẫn trong cơn khốn khó
Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế 9 tháng năm 2014, NFSC cho rằng, nguyên nhân của việc kinh tế hồi phục chậm chủ yếu là do tiêu dùng tư nhân cải thiện chậm, đầu tư tư nhân và tổng cầu vẫn ở mức thấp.
Đặc biệt, việc xử lý "cục máu đông" nợ xấu vẫn bị nghẽn thậm chí có xu hướng phình to trở lại, gây cản trở cho đầu tư tư nhân.
Do đó, tình hình sức khỏe của doanh nghiệp cũng không cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm cho thấy, có tới hơn 48 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Chỉ số PMI giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2014 và tiến về sát ngưỡng 50 điểm trong tháng 8/2014, chủ yếu do sản lượng và đơn hàng mới tăng chậm lại, cho thấy điều kiện sản xuất mặc dù tiếp tục cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững.
Trong khi đó, tổng cầu mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa đủ lực để tạo sức bật cho nền kinh tế. Theo tính toán của NFSC, trong tháng 9 lạm phát cơ bản là 3,12%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,62% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kì năm ngoái là 4,43%.
Tiêu dùng tư nhân mặc dù cải thiện nhưng còn thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mặc dù luôn tăng cao hơn cùng kì năm 2013 nhưng mức cải thiện không lớn và còn thấp hơn nhiều so với mức trên 10% của các năm 2010-2011.
Đầu tư toàn xã hội (so với GDP) trong 6 tháng đầu năm 2014 mặc dù cao hơn kế hoạch cả năm 2014 (30,2% so với 29,4%) nhưng đầu tư tư nhân chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kì 2013.
Đồng thời, theo báo cáo của NHNN, 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,8%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 6,4%.
Trong khi đó, chênh lệch lãi suất toàn ngành (NIM) ngày càng giảm ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm các ngân hàng công bố, tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Thu thập số liệu từ 15 TCTD, tỷ lệ NIM trung bình của các tổ chức này trong 6 tháng đầu năm 2014 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013.
Mặt khác, tiến độ xử lý nợ xấu chậm so với kỳ vọng do, lợi ích của việc bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế hiện hành chưa đủ mức khuyến khích TCTD tích cực bán nợ xấu cho VAMC.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể lãi suất tái cấp vốn đối với lãi suất trái phiếu của VAMC. Tiến độ phát mại tài sản đảm bảo phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Quan trọng hơn, thủ tục tố tụng, thi hành án kéo dài, nhiều rủi ro cùng với thủ tục phát mại rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân kéo dài tiến độ xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đầu tư tư nhân là khu vực còn dư địa mở rộng, bởi vậy chính sách cần hỗ trợ và giải phóng tối đa nguồn lực của khu vực này.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, song song với tái cơ cấu nền kinh tế, cần có các biện pháp hỗ trợ tổng cầu, khuyến khích đầu tư tư nhân có hiệu quả.
Bơm vốn cho khu vực tư nhân
Trong ngắn hạn, NFSC đề xuất, trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống TCTD.
Theo NFSC, cần nghiên cứu sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để VAMC mua nợ xấu. Trong trường hợp không tạo nguồn tài chính nhà nước để xử lý nợ xấu, cần thiết phải có các chính sách khác để kích cầu như: Kéo dài thời hạn tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn vốn dài hạn rẻ, từ đó mạnh dạn cung tín dụng dài hạn cho khu vực tư nhân, qua đó khuyến khích TCTD bán nợ cho VAMC.
Ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản đảm bảo cho VAMC theo hướng tăng quyền cho VAMC quyết định phát mại tài sản, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí xử lý nợ.
Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, nhất là đối với các dự án có tính lan tỏa cao như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, vào nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản...
Trường hợp nếu cần thiết, tạm ứng vốn đầu tư năm 2015 để hoàn thiện các dự án đầu tư công chuẩn bị hoàn thành và có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, NFSC đề nghị, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp giảm chi phí; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính, tái cấu trúc các TCTD.
Theo Bizlive