Lãi suất huy động giảm
Theo thông tin mới nhất từ NHNN, thì lãi suất cho vay đã và đang giảm mạnh, đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Tuy đã giảm lãi suất nhưng các DN vẫn đang trong tình trạng khó khăn và họ mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Muốn vậy, trước hết lãi suất huy động cũng sẽ phải giảm xuống.
Lãi suất huy động, lãi suất cho vay đang trên đà giảm.
Từ cuối tháng 5, ở khối NHTM cổ phần, Eximbank lãi xuất huy động đã giảm nhiều, kỳ hạn từ 1 - 3 tháng giảm còn 5,7%/năm, từ 4 - 5 tháng là 5,98%/năm; với kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 24 - 60 tháng. Nhiều ngân hàng khác như Sacombank, lãi suất huy động 3 tháng giảm 0,3%/năm; MBBank giảm từ 0,1 - 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.
Khối các NHTM do Nhà nước sở hữu chi phối cũng đang điều chỉnh giảm lãi suất. Tiêu biểu là Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 6. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 5%/năm, kỳ hạn 2 - 9 tháng còn 5,1 - 5,9%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 5,9%/năm. Đáng chú ý, lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 12 - 60 tháng lùi sâu về mức 7%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua giảm và nhiều khả năng sẽ còn giảm nữa trong thời gian tới là cơ sở để lãi suất cho vay giảm xuống. Tuy nhiên theo các lãnh đạo ngân hàng lãi suất cho vay hiện đang ở mức rất thấp rồi nên việc giảm tiếp lãi suất cho vay này ít khả quan trong giai đoạn hiện tại.
Với tình hình lãi suất huy động như hiện tại thì có thể thấy rằng trong thời gian tới NHNN hoàn toàn có thể điều chỉnh trần LSHĐ giảm xuống mức thấp hơn khoảng từ 5% - 5,5%/năm mà vẫn đạt yêu cầu lãi suất tiền gửi phải thực dương, dù không nhiều.
NHNH có hủy bỏ lãi suất huy động trong năm nay?
Một vấn đề đang được đặt ra là liệu rằng trong khoảng thời gian cuối năm 2014 NHNN có hủy bỏ lãi suất huy động? Mặc dù vấn đề này đã được nhắc đến khá nhiều trước đó, tuy nhiên vẫn chưa có một câu trả lời chính thức nào từ phía NHNN.
Theo TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì việc bỏ trần hay giữ nguyên cũng không có nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu cẩn trọng thì chúng ta nên giữ nguyên chủ trương này để coi trần lãi suất như một sự cảnh báo.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ thì mặt bằng lãi suất hiện nay đang rất hợp lý, vì thế NHNN nên tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại khẳng định, thời điểm bỏ trần lãi suất huy động chưa chín muồi. Nếu như gỡ bỏ trần lãi suất thì lập tức mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ ngay. Kéo theo lãi suất cho vay sẽ khó giảm 1%-2% trong năm nay như mong muốn của NHNN và Chính phủ. Hiện tượng cạnh tranh vô lối lại tiếp diễn. Vốn từ ngân hàng này lại chảy sang ngân hàng khác, khách gửi tiền từ ngân hàng này chạy sang ngân hàng khác. Thị trường sẽ xáo trộn.
Có thể nhận thấy phương án hủy bỏ trần lãi suất huy động sẽ chỉ được NHNN tính đến nếu như tình hình lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.
T.T (Tổng hợp)