Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãnh đạo mới của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuân giữ chức Chủ tịch, ông Đàm Minh Đức tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Văn Tuân là Phó tổng giám đốc Vietcombank và đã được điều động sang giúp ổn định tình hình VNCB năm ngoái sau sự cố nguyên lãnh đạo VNCB bị bắt giam. Việc thiết lập bộ máy cấp cao góp phần đưa hoạt động của ngân hàng này sớm hoạt động ổn định theo mô hình ngân hàng TNHH một thành viên.
Với những bước đi phù hợp, việc mua lại ngân hàng thương mại cổ phần phá sản của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng, góp phần vào việc ổn định lĩnh vực ngân hàng, giữ vững an ninh kinh tế. Có thể, sau bước đầu thành công này, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại một số ngân hàng theo như hé lộ của lãnh đạo cơ quan này.
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" cách đây ít lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại một số ngân hàng tương tự như VNCB.
Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại ngân hàng yếu kém.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định, sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại, các ngân hàng sẽ chuyển đổi từ mô hình cổ phần sang mô hình công ty TNHH một thành viên do Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra chi trả mọi khoản tiền gửi cho người dân, tiếp tục thực hiện các giao dịch đã ký trước đó, đồng thời tổ chức lại bộ máy quản lý của ngân hàng.
"Ngân hàng Nhà nước có thể thuê hoặc điều người từ một số ngân hàng thương mại nhà nước về quản lý, song chi phí sẽ do Ngân hàng Nhà nước bỏ ra. Có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép các ngân hàng "hậu quốc hữu hoá" được tham gia các chương trình cho vay ưu đãi, các gói tín dụng đặc biệt, được Ngân hàng Nhà nước giới thiệu và một số ngân hàng thương mại nhà nước chia sẻ khách hàng. Sau một thời gian, khi các ngân hàng này phục hồi, NHNN có thể bán cho ngân hàng khác hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán để thu hồi vốn. Quá trình này dự kiến mất ít nhất một năm", chuyên gia này nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng không phải là giải pháp tốt nhất (vì đây là giải pháp gây tốn kém cho ngân sách), song lại là giải pháp bắt buộc.
"Với một số ngân hàng quá yếu kém, mất hết vốn, Ngân hàng Nhà nước buộc phải chọn giải pháp mua lại, vì các ngân hàng này bán không ai mua. Để phá sản thì càng khó hơn, vì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chi trả tiền gửi cho người dân và phải đảm bảo sự ổn định của hệ thống. Cho nên, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại, bơm tiền vào, chờ ngân hàng khá lên rồi bán ra để thu hồi vốn được xem là phương án duy nhất hiện nay. Đây cũng là giải pháp mà nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc thời gian qua tiến hành", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn.
Theo TS. Trần Du Lịch, việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại ngân hàng âm vốn chủ sở hữu nhằm không để ngân hàng phá sản là hợp lý, bởi trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ tài sản của khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, những ông chủ ngân hàng, tức các cổ đông, thì phải chấp nhận phá sản.
Cũng có ý kiến cho rằng, cổ đông lớn phá sản là hợp lý, song việc các cổ đông nhỏ bỗng nhiên trắng tay khi ngân hàng đột nhiên bị Ngân hàng Nhà nước mua lại là thiệt thòi. Liên quan vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chỉ có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo hệ thống tránh nguy cơ đổ vỡ, còn với các cổ đông, đây là rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận trong nền kinh tế thị trường.
Theo Hà Tâm - Đầu tư