Vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt để lấy ý kiến đóng góp. Thông tư này quy định phí dịch vụ tiền mặt, bao gồm phí nộp, rút tiền mặt tại NHNN và phí nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại các TCTD. Đối tượng áp dụng là NHNN, TCTD và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ tiền mặt.
Theo đó, về mức phí nộp, rút tiền mặt tại NHNN, dự thảo Thông tư nêu rõ: Khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. Về khung mức phí nộp, rút tiền mặt tại TCTD, theo dự thảo Thông tư, TCTD được quyền ấn định mức phí nộp tiền đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp và phải niêm yết công khai. Bên cạnh đó, TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.
Dự thảo quy định mới phí nộp và rút tiền mặt
Theo khảo sát của cơ quan chức năng vào năm 2014 cho thấy thanh toán bằng tiền mặt còn rất phổ biến trong nền kinh tế. Tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực doanh nghiệp và chiếm đại đa số trong các giao dịch thanh toán của khu vực dân cư.
Thanh toán bằng tiền mặt là phương thức thanh toán đơn giản và tiện dụng nhất được sử dụng để mua bán hàng hoá một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với nền kinh tế có quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất chưa phát triển, việc trao đổi thanh toán hàng hoá diễn ra với số lượng nhỏ, trong phạm vi hẹp. Vì vậy, khi nền kinh tế ngày một phát triển với tốc độ cao cả về chất lượng và số lượng thì việc thanh toán bằng tiền mặt không còn đủ khả năng đáp ứng được nữa.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước giảm dần thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí, vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Tuy nhiên, việc thu phí rút tiền mặt từng gây nhiều tranh cãi khi hiện nay, đa số các công ty đều đã thực hiện trả lương qua tài khoản ngân hàng và người dân có thói quen rút tiền tại máy ATM để chi tiêu.
Chị Vân, công nhân Công ty Eidaikako chuyên sản xuất thảm lót xe hơi nói đã có quá nhiều loại phí đè lên người dùng thẻ, hiện nay công ty chị phát lương thông qua NH Vietcombank và NH này đã thu phí quản lý tài khoản 3.300 đồng/tháng. Bên cạnh đó theo quy định người dùng thẻ bị giữ lại 50.000 đồng trong tài khoản và NH cũng quy định số tiền rút tối thiểu một lần là 50.000 đồng. Do vậy nếu số dư trong tài khoản dưới 100.000 đồng thì không thể rút tiền được. Cuối tháng hết tiền chị thường phải nhờ bạn chuyển khoản cho đủ số dư rút tiền. Mỗi lần như vậy đều bị trừ phí 3.300 đồng. Ngoài ra, nếu đăng ký dịch vụ báo số dư qua tin nhắn thì phí 8.800 đồng/tháng. Như vậy nhẩm tính mỗi tháng một người dùng thẻ cũng mất vài chục ngàn đồng tiền phí.
Chính vì lý do đó, nhiều doanh nghiệp muốn bỏ dịch vụ trả lương qua thẻ ATM. Còn người dân khi được trả lương vào tài khoản sẽ rút luôn một khoản lớn, để chi tiêu dần vào tháng sau.
Với sự cạnh tranh khá khốc liệt trong ngành ngân hàng bán lẻ, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí, vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán”, ban soạn thảo đánh giá về quy định trên.
Rõ ràng, khi cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại được quy định phí rút tiền mặt 0% thì đương nhiên họ không thu phí, vì tránh đánh vào một dòng tiền gửi, tránh đánh vào khách hàng tiềm năng của những dịch vụ khác.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc thu phí dịch vụ tiền mặt là cần thiết để bù đắp cho các chi phí hoạt động của ngân hàng. Việc nộp tiền phải thu phí cũng đúng, bởi vì khi khách hàng nộp tiền, nhân viên NH phải kiểm đếm, làm các thủ tục giấy tờ để thu tiền, tức là ngân hàng sẽ mất chi phí nhân công, chi phí giấy tờ, khấu hao máy móc…
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng chỉ nên áp dụng thu phí nộp tiền với Doanh nghiệp vì bình thường số tiền mà cá nhân nộp tiền vào Ngân hàng không nhiều. Hoặc không, ngân hàng có thể bắt đầu thu phí khi số tiền nộp vượt qua một định mức nào đó.
Theo NHNN, việc dự thảo thông tư này với những quy định cụ thể về phí dịch vụ tiền mặt không phải hướng về lợi nhuận mà nhằm mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phù hợp với bối cảnh, điều kiện Việt Nam hiện nay. Khi điều kiện cho phép, NHNN sẽ có những điều chỉnh theo lộ trình và bước đi phù hợp. Hy vọng sau khi nhận được các ý kiến đóng góp, NHNN sẽ cho ra đời một thông tư hợp lý, cụ thể và rõ ràng.
TA (Tổng hợp)