Nhiều "ông lớn" ngân hàng khó đạt chuẩn Basel 2

Chỉ còn thời hạn 1 năm để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng Basel 2 vào năm 2020. Tuy nhiên, việc các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn này còn vướng nhiều khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố quyết định áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 cho 4 ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Tổng cộng có 8 ngân hàng đạt chuẩn Basel II. 4 cái tên trước đó là được NHNN công nhận áp dụng Basel II thành công là Vietcombank, VIB, OCB, ACB.

Được biết, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel 2 cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống (khoảng 100 tổ chức tín dụng, trong đó có trên khoảng 35 ngân hàng thương mại) mới chỉ có 8 đơn vị đạt chuẩn Basel 2.

Nhiều "ông lớn" ngân hàng khó đạt chuẩn Basel 2 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngân hàng gặp khó khi đáp ứng chuẩn Basel 2

Năm 2019 là hạn chót để 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel 2 theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 6/10 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2 và 2 nhà băng khác không nằm trong diện thí điểm đạt được là OCB và TPBank.

Muốn đạt Basel 2, đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu gốc phải chuẩn mực, có cơ sở để tính toán đo lường và lưu trữ những dữ liệu cũ, trong khi hầu hết dữ liệu tại các ngân hàng đều rất lộn xộn đặc biệt là các ngân hàng nhỏ lẻ.

Ngoài ra, để đạt chuẩn Basel 2 thì công nghệ thông tin phải được nâng cấp. Còn nếu áp dụng theo chuẩn cũ, phương pháp, hệ điều hành cũ thì sẽ không thể đáp ứng được chuẩn Basel 2.

Đặc biệt, trong Basel 2 quy định về tính minh bạch thông tin. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng Việt đều gặp vấn đề trong việc minh bạch, tuân thủ các quyền của Nhà nước, đặc biệt là trong trích lập dự phòng theo Thông tư 02 và 09 của NHNN.

Theo giới chuyên gia tài chính-ngân hàng, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Basel 2 là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR, được tính theo công thức tính CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản có rủi ro). Theo đó, Basel 2 yêu cầu CAR ở mức 8%.

Vì vậy, nhiều ngân hàng đã nỗ lực để tăng vốn tự có như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, cuối năm 2018, nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Trong đó, BIDV đã mở bán 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng; VietinBank phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị là 450 tỷ đồng… Tuy nhiên, việc tăng vốn của các ngân hàng là không hề dễ dàng.

Thực tế, rất khó để gần 35 ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể đạt chuẩn Basel 2 vào đầu năm 2020.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục