Nhiều "ông lớn" bị bêu tên vì chây ỳ công bố thông tin

(Kinhdoanhnet) - Tính đến ngày ngày 20/9, trong số 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin, đa số các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện minh bạch hoá đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị định 81, trong đó quy định doanh nghiệp Nhà nước phải công khai thông tin về tình hình doanh nghiệp, có hiệu lực từ tháng 11/2015.

Cụ thể, 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Nhiều "ông lớn" bị bêu tên vì chây ỳ công bố thông tin - Ảnh 1
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thực hiện công bố BCTC 2015 (bao gồm BCTC riêng của công ty mẹ và hợp nhất) theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 81.Ảnh minh họa

 

Trong số 6 tập đoàn kinh tế, mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố BCTC công ty mẹ và hợp nhất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố BCTC hợp nhất 2015 (chưa có BCTC riêng của công ty mẹ), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) công bố BCTC riêng của công ty mẹ năm 2015 (chưa có BCTC hợp nhất), Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố BCTC 2015 trước kiểm toán (chưa có BCTC riêng của công ty mẹ).

2 tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hoá chất Việt Nam (Vinachem) chưa thực hiện công bố BCTC 2015 (bao gồm BCTC riêng của công ty mẹ và hợp nhất) theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 81.

Một số TCT lớn như Đường sắt Việt Nam, Vinafood 1, Công nghiệp tàu thuỷ, Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Mobifone cũng chưa thực hiện công BCTC năm 2015.

Chỉ có 2 đơn vị là TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã thực hiện đầy đủ việc công bố công khai các BCTC năm 2015 theo quy định tại Nghị định số 81.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc minh bạch hoá và công bố công khai thông tin này tạo cơ sở để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của mình tại các doanh nghiệp; đồng thời tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Hoạt động này cũng nhằm cải thiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc minh bạch hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Lý giải việc hoàn thành công khai “sức khoẻ” doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, Bộ này cho rằng do nội dung mới, các đối tượng phải công bố thông tin còn lúng túng, dẫn đến chưa thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng gọi đây là việc doanh nghiệp nhà nước không tuân theo kỷ luật thị trường, có nghĩa là vi phạm thì phải chịu phạt.

Quang Anh (TH theo Infonet, Zing.vn)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục