Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những ngày tháng năm vừa qua, giá các mặt hàng nông sản giảm sâu một cách trầm trọng, mít Thái giảm từ 17.000 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg, xapôchê từ 15.000-17.000 đồng/kg giảm còn 7.000-9.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong từ 37.000-40.000 đồng/kg giảm còn 18.000-20.000 đồng/kg, thanh long từ 17.000-20.000 đồng/kg chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg...
Việt Nam đang cố gắng để dần thoát khỏi thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa
Một trong số những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này giảm sút là do thương lái Trung Quốc “lặn mất tăm” sau khi đưa ra một số “bẫy” để giăng bà con. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc chậm “ăn” hàng do quan hệ Trung – Việt sau sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD 981 ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo khảo sát, Một số nông sản khác đã qua sơ chế, chế biến cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường này như hạt điều, cao su, khoai mì, lúa gạo khi tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 20-90% tổng lượng xuất khẩu. Đáng chú ý là trong vài năm trở lại đây, trong khi một số mặt hàng có dịch chuyển theo hướng tích cực giảm dần phụ thuộc Trung Quốc thì mặt hàng gạo lại phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường này. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong hai năm trở lại đây Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Do vậy, để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhiều ngành và doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường thay thế. Theo nhận định thì Ấn Độ là một trong những thị trường dễ tính nên các doanh nghiệp đang hướng tới. Bên cạnh đó, cũng sẽ chủ động mở rộng thị trường các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia….
Tương tự, ông Trần Hữu Danh - giám đốc Công ty TNHH Long Việt (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết ông đang hướng tới thị trường Ấn Độ, dự kiến trong vòng 3 – 5 năm tới, Ấn Độ sẽ là thị trường thay thế Trung Quốc.
Tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của một số mặt hàng nông sản trong bốn tháng đầu năm 2014 - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: N.Khanh
Bên cạnh đó, những nhà kinh tế cũng nhận định, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng phải dần hướng tới công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất nông nghiệp để nhắm vào những thị trường khó tính như các nước EU.
Thực tế đã chứng minh với doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, việc xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính rất thuận lợi, thậm chí không đủ hàng để bán. Ông Đồng Đăng Huân, đại diện Công ty TNHH Thịnh Cát (TP.HCM), cho biết hiện đơn vị này không đủ các mặt hàng rau thơm để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Hải Bình