Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngưng sử dụng hóa đơn, dừng thủ tục xuất hàng vì nợ thuế

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế ở TP.HCM đối mặt với việc bị ngưng sử dụng hóa đơn hoặc dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo thông tin mới nhất trên báo điện tử Đầu Tư, Chi cục Hải quan Quản lý Hàng gia công - Cục Hải quan TP.HCM vừa có nhiều văn bản gửi đến Cục Thuế TP.HCM, cho biết có nhiều doanh nghiệp nợ thuế khó đòi. Cơ quan này đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Do đó, theo Luật quản lý thuế, Chi cục Hải quan Quản lý Hàng gia công đề nghị Cục thế TP.HCM áp dụng biện cưỡng chế thu hồi nợ thuế nhiều doanh nghiệp bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH May Thắng Lợi (trụ sở quận 5 TP.HCM) do nợ tiền thuế khó đòi hơn 2,2 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc Thương mại Tín Đạt (trụ sở quận Tân Phú) do nợ thuế gần 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH SX&TM Phương Hoàng (quận Gò Vấp) do nợ thuế gần 1,8 tỷ đồng…

Liên quan đến vấn đề nợ thuế, Chi cục Hải quan Quản lý Hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM vừa ra quyết định cưỡng dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đối với Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Ân My do nợ thuế quá hạn 90 ngày số tiền chỉ gần 180 triệu đồng.

Nợ thuế 258 triệu đồng, Công ty Seacret bị dừng làm thủ tục hải quan. Ảnh minh họa: Tiền Phong
Nợ thuế 258 triệu đồng, Công ty Seacret bị dừng làm thủ tục hải quan. Ảnh minh họa: Tiền Phong

Báo Tiền Phong đưa tin, Chi cục Hải quan Quản lý Hàng đầu tư cũng quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty Cổ phần kinh doanh và Phát triển bất động sản Đông Sài Gòn (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM), do nợ thuế quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền nợ 2,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Quản lý Hàng đầu tư quyết định dừng làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu của Chi nhánh Công ty Cổ phần Euro Window (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) do nợ thuế 13,6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông (69 Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP.HCM) do nợ thuế hơn 16,2 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Hùng Mạnh Sài Gòn (phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) do nợ hơn 17,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Cục Hải quan TPHCM dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa của hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế "khủng" như Công ty TNHH Sentifi Việt Nam (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) nợ thuế hơn 273 tỷ đồng, Công ty TNHH 48 Boistro chi nhánh 3 (phường 4, quận 5, TP.HCM) nợ thuế gần 167 tỷ đồng, Công ty TNHH Seacret (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nợ 258 triệu đồng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) nợ 150 tỷ đồng.

Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho hay, với tư cách là trung tâm xuất nhập khẩu của cả nước, số tiền nợ thuế, nợ phạt quá hạn tại đơn vị này trong 7 tháng lên tới khoảng 1.900 tỷ đồng, với hơn 5.700 doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó nhóm nợ khó thu hồi khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu tính con số nợ khó đòi từ trước 31/12/2022 đến nay, số nợ đọng tại Cục Hải quan TP.HCM đã trên 2.200 tỷ đồng.

Theo Cục Hải quân TP.HCM, các doanh nghiệp nợ kéo dài chủ yếu hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu. Đơn vị đã gửi văn bản và gặp trực tiếp đại diện doanh nghiệp để đôn đốc nhưng doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do (gặp khó trong kinh doanh, nhận tiền thánh toán chậm...) để chây ỳ trong việc trả nợ.

Đặc biệt, lợi dụng quy định về thời gian nộp thuế có thể được ân hạn tới 90 ngày, nhiều doanh nghiệp đã kéo dài, trì hõa, thậm chí gian lận,trốn thuế gây thất thu cho ngân sách.

Các doanh nghiệp nợ kéo dài chủ yếu hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đầu Tư
Các doanh nghiệp nợ kéo dài chủ yếu hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đầu Tư

Trước tình hình nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất sửa đổi các quy định trong Luật Quản lý thuế theo hướng đưa thêm thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty TNHH, chủ sở hữu công ty, chủ DN tư nhân, giám đốc hoặc tổng giám đốc, thành viên hợp danh… vào diện tạm hoãn xuất cảnh, giống với người đại diện pháp luật.

Lý do là vì trên thực tế, cơ quan chức năng phát hiện có người đại diện doanh nghiệp là người làm thuê hoặc bị sử dụng giấy tờ cá nhân để đăng ký mà không biết.

Đinh Kim (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục