Nhiều công ty con của TKV thua lỗ, phải giám sát tài chính đặc biệt

Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) được yêu cầu có phương án cơ cấu để tránh thất thoát khi hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận ngày càng giảm, việc đầu tư tại một số công ty con bị thua lỗ, phải đưa vào diện giám sát đặc biệt về tài chính...

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giám sát tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV.

Nhiều công ty con của TKV thua lỗ, phải giám sát tài chính đặc biệt - Ảnh 1

Theo đó, Bộ Tài chính cho hay hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV từ năm 2019 đến tháng 6/2021 đều ghi nhận mức lợi nhuận.

Cụ thể, năm 2019 tổng doanh thu toàn tập đoàn là 116.373 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5.192 tỷ đồng; nộp ngân sách 21.114 tỷ đồng.

Năm 2020, TKV có tổng doanh thu là 132.415 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 3.094 tỷ đồng, nộp ngân sách 18.487 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 54.617 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.875 tỷ đồng và nộp ngân sách 9.102 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá công ty mẹ TKV có lợi nhuận phát sinh trước thuế năm 2020 giảm 48%, doanh thu giảm 7% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường tiêu thụ than, khoáng sản, giá bán một số sản phẩm giảm mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này bộc lộ một số hạn chế. Theo đó, số dư nợ phải thu khó đòi của công ty mẹ đến ngày 1/1/2020 là 199 tỷ đồng, số đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 187 tỷ đồng. Riêng khoản thu quá hạn là 193,7 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng là 129 tỷ đồng, hầu hết đều là các khoản nợ quá hạn trên 3 năm.

Đặc biệt, các chỉ tiêu tài chính đánh giá khả năng thanh toán năm 2020 của công ty mẹ đều thấp hơn so với năm 2019. Riêng chỉ tiêu thanh toán ngắn hạn là 1,09 lần, cao hơn năm 2019 là do hàng tồn kho cao.

Mặc dù có đủ khả năng trả nợ các khoản vay, nhưng Bộ Tài chính cho biết dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TKV âm 1.972 tỷ đồng, các chỉ số thanh toán đều thấp.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng TKV cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho để cải thiện các chỉ tiêu khả năng thanh toán.

Đến thời điểm 31/12/2020, công ty mẹ TKV có các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, một số công ty con có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ và vẫn còn lỗ lũy kế.

Đơn cử như Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đồng Tả Phời lỗ 203,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230,5 tỷ đồng, bằng 50,3% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, các đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần).

Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn. Bao gồm Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê…

Nhiều công ty con của TKV thua lỗ, phải giám sát tài chính đặc biệt - Ảnh 2

Trên cơ sở tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của TKV, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo TKV lập phương án, thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, xử lý các vấn đề tồn tại tài chính để có kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ - TKV đảm bảo tính khả thi, hoàn thiện đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với việc đầu tư vào các công ty con, Bộ Tài chính cho rằng một số công ty con của TKV cùng đầu tư vốn vào các công ty khác trong tổ hợp tập đoàn là chưa phù hợp với quy định. Vì vậy, các công ty con cần thoái vốn để đảm bảo tái cơ cấu TKV.

Thực hiện trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp theo đúng quy định.

PV

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục