Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ

Các ông lớn của Bộ Xây dựng như Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty cơ khí xây dựng đang kinh doanh sa sút, thua lỗ, thậm chí khả năng hoạt động liên tục còn bị đe dọa...

Theo dữ liệu của Tuổi trẻ và Pháp luật, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP là doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý, với những mảng kinh doanh chính là xây dựng nhà máy điện, giao thông, nhà máy công nghiệp, chế tạo và cung cấp thiết bị xây dựng, kinh doanh bất động sản. Mặc dù sở hữu nhiều khu đất vàng nhưng tình hình kinh doanh không mấy khả quan, công ty còn có hàng nghìn tỷ nợ chưa thu hồi được.

Năm 2018, toàn tổ hợp Tổng Công ty Sông Đà (gồm công ty mẹ và các công ty thành viên) đạt doanh thu 7.945 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.186 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm.

Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ - Ảnh 1
Trụ sở Tổng Công ty Sông Đà.

 

Kết quả, lợi nhuận sau thuế cả tổ hợp Tổng Công ty Sông Đà đạt 362 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công ty mẹ chỉ đạt 27,4 tỷ đồng, tương đương bằng 13% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, Tổng Công ty Sông Hồng được thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 73,2% vốn.

Tổng Công ty Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Với tình cảnh thua lỗ triền miên của Tổng Công ty Sông Hồng hiện nay, công cuộc thoái vốn có lẽ sẽ còn kéo dài.

Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ - Ảnh 2
Tổng Công ty CP Sông Hồng.

 

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã đưa ra vấn đề nhấn mạnh việc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu tới hàng trăm tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2017, 2018 âm, công với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn... cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đấn nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty Sông Hồng.

Năm 2018, Tổng Công ty Sông Hồng ghi nhận khoản lỗ hợp nhất tới 387,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 55,6 tỷ đồng năm 2017. Theo giải trình của doanh nghiệp này, nguyên nhân tăng lỗ là do trong năm 2018, công ty này phát sinh khoản lãi vay quá hạn của dư nợ gốc 191 tỷ đồng, số tiền lãi phạt quá hạn là 87 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Tổng Công ty Sông Hồng phát sinh khoản trích lập bổ sung dự phòng trả dài hạn nghĩa vụ nợ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội số tiền là 238 tỷ đồng và các khoản trích lập dự phòng công nợ phải thu và các đầu tư tài chính.

Đáng nói, tình hình kinh doanh tiêu cực của Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục kéo dài sang năm 2019, theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản doanh thu thuần 15,9 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng lên xấp xỉ 14,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, chi phí lãi vay của Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng tăng đột biến lên mức 21,3 tỷ đồng, so với mức 6,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ở mức 4,5 tỷ đồng. Với gánh nặng chi phí lãi vay, kết quả, Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong quý 1/2019, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ kế toán lên 915 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối quý 1/2019, Tổng Công ty Sông Hồng có khoản nợ đến hạn trả 192 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - chi nhánh Hà Tĩnh. Theo hợp đồng hạn mức tín dụng ngày 1/12/2011, công ty vay ngân hàng này với tổng hạn mức tín dụng 200 tỷ đồng, thời hạn cấp tín dụng 12 tháng kể từ ngày 1/12/2011, lãi suất sẽ theo quy định của Oceanbank tại từng thời điểm giải ngân.

Mục đích vay này nhằm bổ sung vốn lưu động và cấp bảo lãnh cho bên B phụ vụ thi công công trình tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, SHG chấp thuận để Oceanbank - chi nhánh Hà Tĩnh quản lý nguồn thu từ việc thực hiện thi công các hạng mục xây dựng thuộc hợp đồng EPC của dự án trên.

Theo phụ lục hợp đồng hạn mức tín dụng lần thứ 6 (ngày 26/11/2014), khoản vay này được gia hạn đến ngày 30/1/2016, lãi và gốc được trả một lần khi đáo hạn. Tổng Công ty Sông Hồng và OceanBank - chi nhánh Hà Tĩnh chưa có văn bản thỏa thuận gia hạn khoản vay này.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Sông Hồng còn 2 khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - chi nhánh Hoàn Kiếm là 67 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Phú Thọ là 34 tỷ đồng.

Nhiều ''con cưng'' của Bộ Xây dựng kinh doanh bết bát, thua lỗ - Ảnh 3
Trụ sở Tổng Công ty cơ khí xây dựng.

 

Còn đối với Tổng Công ty cơ khí xây dựng - CTCP (COMA) tình hình kinh doanh còn bi đát hơn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018, COMA ghi nhận khoản doanh thu thuần 394,6 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với năm 2017; giá vốn bán hàng chiếm tới 334,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ còn 60 tỷ đồng; doanh thu tài chính của công ty cũng chỉ đạt 1,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2017.

Đáng chú ý, năm vừa qua, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của COMA đều tăng rất mạnh lên mức lần lượt 5 tỷ đồng và 182,7 tỷ đồng. Năm vừa qua, công ty cũng ghi nhận khoản chi phí lãi vay 14 tỷ đồng.

Năm 2018, khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của COMA âm 141,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 36,4 tỷ đồng năm 2017. Kết quả, COMA ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 147,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 37,8 tỷ đồng năm 2017. Như vậy, tính đến hết năm 2018, COMA ghi nhận khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 225 tỷ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính, đến hết năm 2018, COMA có tổng tài sản 1.139 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.263 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn 896 tỷ đồng (khoản phải thu 402 tỷ đồng, hàng tồn kho xấp xỉ 450 tỷ đồng), tài sản dài hạn chỉ 197,3 tỷ đồng.

Cũng tính đến thời điểm 31/12/2018, COMA ghi nhận khoản nợ phải trả 1.098 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm tới 1.085 tỷ đồng. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn là 202,7 tỷ đồng, nợ người mua trả tiền trước ngắn hạn 202,3 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 193,5 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 185 tỷ đồng...

Ngoài ra, đến hết năm 2018, nguồn vốn chủ sở hữu của COMA là 41,4 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chỉ 38,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả đã gấp hơn 28 lần vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng rất nhiều đến ''sức khỏe'' tài chính của công ty.

Đáng nói, tại báo cáo tài chính hợp nhất 2018, Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C tại Hà Nội đã nhấn mạnh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của COMA.

Cụ thể, theo đơn vị kiểm toán, COMA chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, các công việc liên quan đến quyết toán cổ phần hóa đang tiếp tục thực hiện và COMA chưa nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phê duyệt quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức trở thành công ty cổ phần.

Đặc biệt, đơn vị kiểm toán muốn lưu ý người đọc trong bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất khoản lỗ 147 tỷ đồng của COMA cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 và tại ngày này, khoản lỗ lũy kế của COMA là xấp xỉ 225 tỷ đồng, các khoản nợ ngắn hạn của COMA đã vượt quá tổng sài sản của Tổng Công ty là 189,6 tỷ đồng. "Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắn chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của COMA'', đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.

 

Theo Nguyễn Văn Huy/Tuoitre&phapluat

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục