Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt với sự chia tay của Gojek và sự trỗi dậy của các tên tuổi mới trong nước. Một trong những cái tên đang nhận được sự quan tâm hiện nay là ứng dụng gọi xe công nghệ Goladi, được sáng lập và điều hành bởi một đội ngũ người Việt.
Điểm khác biệt lớn nhất của Goladi so với các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đó là Goladi không thu phí % dịch vụ của người cung cấp dịch vụ mà thu phí cố định dựa trên doanh thu, nhằm tăng thu nhập cho người cung cấp dịch vụ và mang đến giá tốt cho người sử dụng dịch vụ.
Goladi triển khai hoạt động với nhiều loại dịch vụ khác nhau như: tài xế lái hộ, chuyến đi, giao hàng, đặt đồ ăn, giúp việc nhà, sửa chữa/vệ sinh, bảo trì/cứu hộ và tài chính.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Goladi Việt Nam được thành lập vào ngày 14/8/2024. Địa chỉ trụ sở tại KDC Nam Long, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, TP. HCM.
Người đại diện theo pháp luật là Bùi Thanh Duy, sinh năm 1995, chức vụ Giám đốc. Ngành nghề kinh doanh chính là Lập trình máy vi tính.
Công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn gồm: Lê Thị Tuyên Quyên góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 20%); Nguyễn Hoàng Nam góp 250 triệu đồng (tỷ lệ 25%); Bùi Thanh Duy góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 20%); Bùi Thị Minh Hiếu góp 250 triệu đồng (tỷ lệ 25%) và Trần Trung Đức góp 100 triệu đồng (tỷ lệ 10%).
Vào tháng 12/2024, công ty nâng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được tiết lộ. Tổng số lao động của công ty theo đăng ký thuế là 3 người.
Ngoài Goladi, vào tháng 6/2024 thị trường gọi xe công nghệ cũng từng đón nhận ứng dụng công nghệ đặt xe taxi Cudidi. Đây là ứng dụng gọi xe 100% của Việt Nam, được xây dựng trên nền tảng công nghệ do Viettel cung cấp cùng sự hợp tác của các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm.
So với các ứng dụng khác, điểm khác biệt của app Cudidi là miễn phí toàn bộ phí sử dụng, không thu tiền khấu trừ theo % doanh thu cuốc xe với tài xế.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam được đánh giá là miếng bánh béo bở với nhiều dư địa để "khai phá", tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đang thay đổi chóng mặt, sự cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều "ông lớn" một thời phải ngậm ngùi rút lui.
Đơn cử, Gojek – ứng dụng gọi xe của Indonesia chính thức nói lời chia tay với thị trường Việt Nam kể từ ngày 16/9/2024 sau 6 năm hoạt động. Trước đó, Baemin – đối thủ khác trong lĩnh vực gọi xe giao thức ăn nhanh cũng đã phải nói lời tạm biệt.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, giá trị thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2024 được dự đoán đạt 880 triệu USD và có triển vọng đạt đến 2,16 tỷ USD vào năm 2029. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2024 - 2029 của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ ở mức 19,5%. Điều này có nghĩa là sau khoảng 4-5 năm, quy mô thị trường sẽ tăng gấp đôi.
Theo Mordor Intelligence, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành gọi xe công nghệ Việt Nam, làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành.
Vietnamfinance
In bài viết