Bloomberg cho biết, kết thúc phiên giao dịch chiều ngày hôm qua tại Thượng Hải, đồng nhân dân tệ giảm xuống 6,7396 NDT đổi 1 USD – giảm 1% so với cuối tháng trước và là mức thấp nhất 6 năm qua.
Đồng nhân dân tệ chạm đáy 6 năm. Ảnh minh họa
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đồng nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD, trong khi vẫn tăng so với đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yên.
Các nhà làm chính sách Trung Quốc đang ở trong thế khó, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách ngăn chặn sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu và kích thích tăng trưởng kinh tế đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Số liệu thống kê tháng 9 cho thấy xuất khẩu Trung Quốc đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái - yếu tố luôn được đưa ra để bào chữa cho động thái giảm giá đồng tệ. Thế khó của giới chức Trung Quốc hiện nay là làm sao để tăng tốc sự giảm giá của đồng tệ so với đồng USD mà không làm tăng quy mô dòng chảy vốn ra ngoài.
Trước đó, hôm 1/10, đồng nhân tệ của Trung Quốc đã chính thức
vào giỏ các đồng tiền dự trữ của
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Reuters cho biết, gia nhập giỏ tiền dự trữ với tên gọi Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, đồng nhân dân tệ sẽ là loại tiền tệ các nước có thể nhận được thông qua các khoản vay của IMF giống như đồng USD của Mỹ, euro của EU, yen Nhật và bảng Anh.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố: “Gia nhập SDR là một bước ngoặt trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, khẳng định sự thành công của phát triển kinh tế và kết quả của cải cách cũng như mở cửa của ngành tài chính Trung Quốc”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đồng nhân dân tệ gia nhập SDR chỉ mang tính biểu tượng bởi đồng tiền này không đáp ứng được những tiêu chí về một đồng tiền dự trữ của IMF hay không thể sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại tại các thị trường tài chính thế giới.
Phương Anh