Nguyên nhân sâu xa khiến đất nước từng giàu ngang Dubai giờ lại đứng bên bờ sụp đổ: NHTW giống như mô hình lừa đảo Ponzi!

Chế độ neo tỷ giá giúp Liban giữ vững được niềm tin của người dân bất chấp cuộc nội chiến đã kéo dài 15 năm. Tuy nhiên, sự thật là hệ thống đó được xây dựng trên 1 nền kinh tế gần như không có năng suất và 1 mạng lưới các giao dịch phức tạp được ví như mô hình lừa đảo Ponzi.

Chế độ neo tỷ giá giúp Liban giữ vững được niềm tin của người dân bất chấp cuộc nội chiến đã kéo dài 15 năm. Tuy nhiên, sự thật là hệ thống đó được xây dựng trên 1 nền kinh tế gần như không có năng suất và 1 mạng lưới các giao dịch phức tạp được ví như mô hình lừa đảo Ponzi.

Nguyên nhân sâu xa khiến đất nước từng giàu ngang Dubai giờ lại đứng bên bờ sụp đổ: NHTW giống như mô hình lừa đảo Ponzi! - Ảnh 1

George Azzi không muốn cho khách hàng bước vào hiệu thuốc của mình nữa. Quá nhiều cửa hàng đã bị cướp. Thay vào đó ông tiếp khách thông qua cửa sổ được che chắn bằng tấm kính nhựa dẻo. Nhưng Azzi bông đùa rằng giờ thì ông cũng chẳng còn thứ gì đáng giá để mà cướp.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến một nửa kệ hàng của ông trống rỗng. Vì thiếu nguồn cung mà 1 trạm xăng gần đó giờ giới hạn mỗi lái xe chỉ được mua 20 lít. Đã nhiều tuần nay siêu thị ở góc phố không có gà tươi vì người chăn nuôi không muốn bán ở mức giá mà chính phủ chỉ định.

Các cuộc khủng hoảng liên tiếp ập đến với Liban: sau những cuộc biểu tình là đại dịch Covid-19 và khủng khiếp nhất là vụ nổ tại cảng Beirut ngày 4/8/2020. Tất cả đều diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp. Đã được neo vào đồng USD ở tỷ giá 1.500 bảng đổi 1 USD trong hàng chục năm, bỗng chốc đồng bảng Liban lao dốc, tới mức 9.000 bảng đổi 1 USD trên thị trường chợ đen.

Tháng 6/2021, tỷ lệ lạm phát ở nước này vẫn là 100% dù đó là mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. GDP đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.

Nguyên nhân sâu xa khiến đất nước từng giàu ngang Dubai giờ lại đứng bên bờ sụp đổ: NHTW giống như mô hình lừa đảo Ponzi! - Ảnh 2

Từ trái sang: GDP bình quân đầu người, tỷ giá bảng Liban/USD (chính thức và chợ đen) và chỉ số giá tiêu dùng của Liban.

Đế chế từng được coi là bất khả xâm phạm

Chính sách trợ cấp của chính phủ vẫn đảm bảo giá một số mặt hàng thiết yếu như thuốc men, nhiên liệu và món bánh mì manoucheh nổi tiếng được giữ ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, NHTW Liban – Banque du Liban (BDL) chỉ còn chưa đến 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối và đến cuối năm ngoái đã không thể duy trì chính sách hỗ trợ các nhà nhập khẩu hàng hóa thiết yếu tiếp cận với nguồn USD ở tỷ giá tốt được nữa.

Đó là dấu chấm hết cho đế chế tiền tệ đã từng được coi là "bất khả xâm phạm". Chế độ neo tỷ giá giúp Liban giữ vững được niềm tin của người dân bất chấp cuộc nội chiến đã kéo dài 15 năm mà trong đó lạm phát từng vọt lên mức 487% và đồng bảng mất 80% giá trị. Tuy nhiên, sự thật là hệ thống đó được xây dựng trên 1 nền kinh tế gần như không có năng suất và 1 mạng lưới các giao dịch phức tạp được ví như mô hình lừa đảo Ponzi. Cuối cùng mạng lưới đó đã sụp đổ.

Trong khi hầu hết các nước Ả Rập bảo vệ chế độ tỷ giá cố định của họ bằng nguồn doanh thu có được từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, Liban không có gì để đảm bảo. Ở thời đỉnh cao năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Liban đạt 4,4 tỷ USD nhưng nhập khẩu lên đến 21,1 tỷ USD. Các nguồn thu ngoại tệ khác như từ khách du lịch và bất động sản là không đủ để duy trì tỷ giá cố định. Thâm hụt cán cân vãng lai đã vượt quá 25% GDP. Thâm hụt ngân sách ở mức trên 10% GDP.

Liban từng có 1 nguồn ngoại tệ khá ổn định: ngành tài chính. Khi đạt đỉnh năm 2018, số lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng lên đến 269 nghìn tỷ bảng (khi đó tương đương 179 tỷ USD), gấp hơn 3 lần GDP. Khoảng 2/3 số tiền gửi này là USD.

Mạng lưới Ponzi của NHTW Liban

Để một phần số tiền này chảy vào túi mình, NHTW Liban đã tạo ra 1 cơ chế gọi là "financial engineering". Bắt đầu từ năm 2016, NHTW trao đổi các khoản nợ bằng đồng nội tệ với Bộ Tài chính đẻ nhận về các trái phiếu niêm yết bằng USD rồi sau đó lại bán số trái phiếu này cho các ngân hàng thương mại với mức lợi suất cao hơn. Các ngân hàng cũng có thể đi vay bằng đồng bảng, thế chấp bằng số USD đang gửi tại NHTW rồi lại cho vay số bảng đó và ăn chênh lệch.

Thống đốc NHTW Liban Riad Salame lập luận rằng cơ chế này chỉ áp dụng trong ngắn hạn. Theo ông, NHTW không phải là nguyên nhân tạo ra thâm hụt của Liban mà đó là hậu quả của những chính trị gia đã không thể thông qua ngân sách trong 1 thời gian dài từ năm 2005 đến 2017.

Lập luận này đúng một phần, nhưng cơ chế của NHTW khiến các khoản nợ liên quan đến tất cả mọi người và tạo ra 1 mạng lưới trách nhiệm chung rất phức tạp. Đến năm 2018, NHTW Liban tài trợ cho phần lớn thâm hụt ngân sách. Năm 2019 hầu hết nợ công của Liban thuộc sở hữu của hệ thống ngân hàng và NHTW trong khi hơn một nửa thanh khoản của hệ thống ngân hàng lại được gửi tại NHTW.

Để duy trì mạng lưới này, Liban cần đến một lượng lớn USD và cũng cần mức lợi suất rất cao để thu hút người gửi tiền. Trung bình lãi suất tiền gửi USD đã tăng từ mức 3% trong năm 2016 lên gần 7% vào năm 2019. Tuy nhiên sau 1 thập kỷ tăng trưởng, từ cuối năm 2018 lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gần như đi ngang và bắt đầu giảm từ năm 2019, một phần bởi giá dầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế vùng Vịnh nơi nhiều người dân Liban đang đi xuất khẩu lao động.

Thiếu tiền mặt, các ngân hàng càng hạn chế rút USD. Những tấm thẻ tín dụng từng tài trợ cho các chuyến du lịch tới châu Âu giờ được áp hạn mức chi tiêu chỉ 50 USD. Tháng 3/2020, Liban tuyên bố vỡ nợ vì không thể trả 1,2 tỷ USD trái phiếu. Thủ tướng lúc đó là Hassan Dibab ước tính hệ thống ngân hàng Liban thua lỗ 83 tỷ USD. Hầu hết các khách hàng chỉ có thể rút ra đồng bảng mặc dù họ đã gửi USD vào tài khoản tiết kiệm.

Cuộc khủng hoảng không có hồi kết

Đến tháng 4 năm ngoái, NHTW Liban thông qua kế hoạch mà theo đó các cổ đông và khách hàng giàu có của ngân hàng phải gánh nhiều thiệt hại hơn thay vì người gửi tiền như trước. Ông cũng đàm phán với IMF để có được gói cứu trợ 10 tỷ USD nhưng cuối cùng đã khôn đạt được thỏa thuận. Hầu hết các ngân hàng lớn ở Liban đều có ít nhất một phần thuộc sở hữu của các chính trị gia hoặc gia đình của họ. Thậm chí trong các cuộc họp với IMF, các ngân hàng cho rằng những con số mà ông Diab đưa ra là quá cao so với thực tế.

Tháng 8/2020, ông Diab từ chức Thủ tướng. Người kế nhiệm ông sau đó là Saad Hariri từng là Thủ tướng khi cơ chế "financial engineering" phát triển nhất và gia đình ông cũng có cổ phần trong BankMed, một trong những ngân hàng lớn nhất nước. 1 liên minh ngân hàng đã đề xuất bán 40 tỷ USD tài sản nhà nước để giải quyết rắc rối. Nhưng giới chỉ trích phê phán các tài sản quốc doanh đã được thổi phồng, mà trong đó có 1 nhà máy điện thậm chí không thể cấp điện 24/7 và 1 công ty viễn thông độc quyền đang cung cấp dịch vụ internet có tốc độ chậm nhất thế giới.

Tháng trước, 1 cuộc biểu tình đã nổ ra ở bên ngoài ngôi nhà được canh gác cẩn mật của bộ trưởng nội vụ lâm thời Mohammad Fahmi. Trong đám đông là họ hàng của hơn 200 người đã thiệt mạng trong vụ nổ tại cảng Beirut. Họ phẫn nộ vì đã 1 năm trôi qua mà nguyên nhân vụ nổ kinh hoàng vẫn chưa được tìm ra. Ngăn cản họ là những cảnh sát đang nhận mức lương đã mất giá đến nỗi hiện giờ tương đương chưa đến 100 USD mỗi tháng, phục vụ cho 1 Chính phủ đã vỡ nợ.

Vụ nổ này cũng là biểu tượng cho những gì người dân Liban đang phải trải qua: 1 cuộc khủng hoảng dường như không có đáy.

Tham khảo The Economist

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục