Mặc dù những báo cáo dữ liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc gần đây đã cho thấy những chuyển biến tích cực về nền kinh tế đang dần phục hồi, nhưng điều đó cũng không thể làm an lòng các nhà đầu tư toàn cầu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới gần đây đã công bố hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,2% đưa ra trong tháng giêng xuống còn từ 2,014 đến 2,8% đã càng làm dâng lên mối lo ngại về những rủi ro thị trường có thể mang lại cho các nhà đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển cũng được Ngân hàng thế giới đự doán ở mức giảm từ 5,3% xuống chỉ còn 4,8% trong năm nay. Điều này đã tác động không nhỏ đến giá cả thị trường.
Ảnh minh họa
Thị trường chứng khoán toàn cầu luôn ở mức cao kỷ lục trong những phiên gần đây đã có những dấu hiệu suy giảm rõ rệt trong phiên giao dịch gần nhất. Financial Times cho biết, chỉ số vốn sở hữu toàn thế giới FTSE đã giảm 0,2% so với kỷ lục của phiên trước đó, trong khi chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,4% vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch gần nhất. Chỉ số FTSE Eurofirst 300 giảm 0,5%, chỉ có chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo là tăng thêm 0,5%.
Thị trường tiền tệ cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ tăng trưởng toàn cầu bấp bênh, đồng Iira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 1,8% so với đồng USD, đồng Rand của Nam Phi đã giảm thêm 5%, tính tổng cả tuần thì đồng tiền này đã giảm khoảng 1,7%. Đồng USD cũng giảm 0,3% so với đồng Yên, ở mức 102,01 Yên, mức thấp nhất trong tuần này. Đồng Euro giảm thêm 0,5% ở mức 137,98 Yên. Chỉ số đồng USD so với các đồng tiền khác mặc dù vẫn ở mức cao nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhẹ.
Tại thị trường các mặt hàng công nghiệp, giá nhiên liệu hầu như vẫn ở mức cao và ngày càng gia tăng mạnh mẽ do những lo ngại về nguồn dự trữ dầu có thể bị gián đoạn trong thời gian tới. Giá dầu thô Brent được đăng tải trên Bloomberg sáng nay đã tăng thêm 0,41%, đạt mức 110,40 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng tăng thêm 0,25% ở mức 104,66 USD/thùng. Giá gas tự nhiên tăng thêm 0,47%.
Giá kẽm tăng chưa từng thấy trong suốt 15 tháng qua sau khi có nguồn tin cho rằng lượng kẽm dự trữ đang giảm trong khi nguồn cung cấp có thể bị cắt giảm trong thời gian tới. Giá Palladium cũng đạt mức cao trong suốt 13 tháng qua do lo ngại những vụ tấn công ở Nam Phi có thể khiến nguồn cung bị chững lại trong tương lai.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, dấu hiệu suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, những bất ổn ở Ukraina cùng những dự đoán kinh tế không chắc chắn của Ngân hàng thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng các tổ chức kinh tế hàng đầu, cộng với những mối đe dọa đến sức mạnh của các nền kinh tế mới nổi khác chính là nguyên nhân gây biến động thị trường. Có thể trong thời gian tới thị trường toàn cầu vẫn chưa thể đi vào quỹ đạo ổn định bình thường.
Thùy Dương