Nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, tiết kiệm chi phí và ngân sách nhà nước, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu và tăng tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu, ngày 13/07/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg chính thức áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng trên phạm vi toàn quốc.
Tiếp đó, ngày 15/11/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-KHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.
Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị với vai trò là chủ đầu tư đã tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm góp phần đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, triển khai nghiêm túc lộ trình, cắt giảm những chi phí không cần thiết và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại nhiều gói thầu mua sắm sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu không công khai thông tin nhãn hiệu, xuất xứ; tình trạng nhà thầu quen mặt với tỷ lệ tiết kiệm thấp; đội giá thiết bị gấp nhiều lần so với giá cùng chủng loại ngoài thị trường,… cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính công khai, minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu.
Đơn cử, tại một gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 6 cho một số huyện của một tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tại gói thầu này, nhiều hạng mục lại có giá cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại ngoài thị trường.
Ví dụ hạng mục Bộ thiết bị Ngoại ngữ. Hạng mục này bao gồm 02 loại thiết bị: Màn hình tương tác thông minh với tổng số lượng 49 chiếc và Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên, tổng số lượng 13 bộ. Tổng giá hạng mục này của nhà thầu là 4.642.750.000 VNĐ.
Đối chiếu 02 loại thiết bị trong hạng mục trên với giá thị trường cùng thời điểm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật cũng như các điều kiện về bảo hành, bảo trì mà chủ đầu tư đưa ra sẽ có giá như sau: Màn hình tương tác thông minh được các đơn vị trên thị trường cung cấp với mức giá dưới 50 triệu đồng/chiếc, tính theo số lượng 49 chiếc phải mua sắm sẽ có tổng giá là 2,450 tỷ đồng cho loại thiết bị này.
Đối với thiết bị số 02 là Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên, với những tiêu chuẩn: Chất liệu: Nhựa; Màu sắc: Trắng; Kết nối: USB 2.0; Kích thước: 73 x 20 x 7,5mm; Mỗi 01 USB chứa bộ cài và mã key kích hoạt sử dụng bộ học liệu; Bảo mật dữ liệu, chống sao chép và nhiều chức năng theo yêu cầu của HSMT,… Thiết bị này trên thị trường có giá khoảng 15 triệu đồng/bộ, tính theo tổng số lượng 13 bộ sẽ có giá khoảng 195 triệu đồng.
Tính toán tổng giá thành của 02 thiết bị theo đơn giá thị trường, hạng mục Bộ thiết bị Ngoại ngữ sẽ có giá khoảng 2,654 tỷ đồng. Ước tính chênh lệch với giá nhà thầu trúng thầu cung cấp là hơn 1,9 tỷ đồng trên một hạng mục mua sắm.
Bên cạnh đó, nhiều gói thầu của đơn vị này cũng có tình trạng chỉ có một nhà thầu tham gia đấu thầu và “nghiễm nhiên” trúng. Tình trạng nhà thầu quen mặt với tỷ lệ tiết kiệm “nhỏ giọt” cũng xuất hiện không ít.
Theo Luật Đấu thầu năm 2013, “đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (2021), công tác đấu thầu ở nước ta là một trong những khâu phát sinh nhiều tiêu cực, có lúc có nơi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa những điều mờ ám, thiếu minh bạch và công bằng. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố hàng chục nghìn vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công.
Các vi phạm về đấu thầu diễn ra trong rất nhiều ngành khác nhau: xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục... Đặc biệt gần đây là vụ vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế và kít xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Các vi phạm trong công tác đấu thầu đã gây ra nhiều hệ lụy, như: Phá vỡ kế hoạch thực hiện chi tiêu công, mua sắm công và đầu tư công, không những làm cho các dự án bị chậm tiến độ, mà còn gây thất thoát lãng phí nguồn lực của đất nước; Làm trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn; Uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong con mắt của nhân dân; Làm mất đi nguồn lực cán bộ do những người này vi phạm Luật Đấu thầu.
Nêu quan điểm về tình trạng đấu thầu hiện nay, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, vụ việc vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại nhiều đơn vị được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, khiến nhiều cán bộ lãnh đạo sở, doanh nghiệp bị khởi tố, bắt giam cho thấy đã có lỗ hổng trong việc quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí ở một số đơn vị giáo dục các địa phương…
Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan điều tra từ những vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm máy móc thiết bị y tế cũng như thiết bị giáo dục thời gian qua cho thấy, giá cả của các loại thiết bị này thường tăng lên gấp nhiều lần so với giá thị trường, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.
“Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý - luật sư Cường nêu ý kiến.