Nguy cơ bong bóng startup ở Trung Quốc sau cơn sốt "vườn ươm khởi nghiệp"

(Kinhdoanhnet) - Theo khảo sát của tờ Nikkei, mỗi ngày có khoảng 12.000 công ty mới được thành lập tại Trung Quốc. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại về một "bong bóng" khởi nghiệp có nguy cơ đổ vỡ trong tương lai không xa.

Thâm Quyến là một trong những thành phố náo nhiệt, sầm uất nhất thế giới. Nhưng nếu như “lắng nghe” kỹ hơn, bạn có thể nghe thấy âm thanh rất nhẹ của một quả bong bóng đang dần phình to.

Nguy cơ bong bóng startup ở Trung Quốc sau cơn sốt "vườn ươm khởi nghiệp" - Ảnh 1
Khu chợ điện tử Huaqiangbei ở Thâm Quyến. Nguồn: Getty Images

Từ một làng chài nghèo, thành phố Thâm Quyến nay đã trở thành trung tâm công nghệ của châu Á và là câu trả lời đáp lại thung lũng Silicon lừng danh của nước Mỹ. Ở thành phố này có hàng nghìn startup đang cố gắng từng ngày với tham vọng sẽ thành công.

Truyền thông Trung Quốc cho hay, thành phố 11 triệu dân này đang có tới gần 450 “vườn ươm startup” với tổng diện tích 5,9 triệu m2 là nơi làm việc của hơn 8.500 startup. Và thành phố cũng có kế hoạch xây dựng thêm 15 “vườn ươm” nữa ở Nanshan với tham vọng nâng con số lên 1.000 “vườn ươm” vào năm 2020.

Để làm được điều này, chính quyền thành phố Thâm Quyến còn mạnh tay rót hàng tỷ USD vào ngành công nghệ thông qua các chính sách hỗ trợ, giảm thuế và dành nhiều ưu đãi về diện tích văn phòng cho các doanh nhân khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là  với số lượng tăng hàng ngày nhưng liệu những đầu tư này có đạt được hiệu quả?

Theo Financial Times, bất chấp những lo ngại về nguồn cung dư thừa, các công ty toàn cầu vẫn coi Thâm Quyến là thị trường màu mỡ. WeWork, tập đoàn cung cấp không gian làm việc chung đến từ nước Mỹ, đã mở văn phòng ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải với kỳ vọng sẽ có được 10.000 thành viên ở Trung Quốc vào cuối năm nay. Nhưng xu hướng ở WeWork cũng cho thấy một vài đặc điểm của thị trường Trung Quốc: nhóm khách thuê tăng trưởng nhanh nhất là những công ty có từ 500 nhân viên trở lên.

Phó Chủ tịch Michael Zhan của Yeefung, một startup ở Thâm Quyến cho rằng sự thống trị của “bộ tam” Baidu, Alibaba và Tencent cùng với danh mục quỹ đầu tư mạo hiểm khồng lồ là nguyên nhân khiến những công ty nhỏ và vừa khó có thể tồn tại.

Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tỏ ra khỏe mạnh, trong ngành công nghệ, mức định giá của các startup đang bị đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Đằng sau đó cũng là tham vọng bành trướng quyền lực trong ngành công nghệ của Chính phủ Trung Quốc và dòng vốn dư thừa ồ ạt đổ vào ngành này để tìm kiếm những cơ hội sinh lời mới.

Tuy nhiên, việc các "vườn ươm khởi nghiệp" được thành lập một cách thiếu kiểm soát, không đảm bảo được tính khả thi về công nghệ và tài chính sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tràn ngập trung tâm sáng tạo, những dự án vô ích sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục