Người mua vay ô tô bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ

Người mua ô tô trả góp đang phải chịu cái “vòng kim cô” siết chặt trong khi làm thủ tục vay vốn đó là bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ “tự nguyện”.

Việc mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tự nguyện là người có nhu cầu thì mua, còn không thì thôi. Tuy nhiên, thực tế từ vài năm qua cho thấy, khi mua xe ôtô trả góp, để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, một trong những tiêu chí quan trọng đối với người đi vay là bắt buộc phải mua BHNT để được duyệt khoản vay và hưởng lãi suất ưu đãi. Còn nếu không mua loại “bảo hiểm tự nguyện” này thì rất khó để được duyệt khoản vay hoặc chịu mức lãi suất cao hơn rất nhiều.

Trong vai người đi mua xe ôtô, PV liên hệ đến showroom Hyundai trên địa bàn Tp.HCM. Tại đây nhân viên cho biết, có thể hỗ trợ khách hàng vay ngân hàng để mua xe trả góp và bao đậu 100%. Khi hỏi về ngân hàng có thể cấp vốn, nhân viên tên Vân nói: “Có rất nhiều ngân hàng để cho khách có thể lựa chọn và em sẽ bao đậu hồ sơ 100%”.

Người mua vay ô tô "bắt buộc" phải mua bảo hiểm nhân thọ.
Người mua vay ô tô "bắt buộc" phải mua bảo hiểm nhân thọ.

Thực tế khi đi vào hỏi chiếc xe cụ thể và làm thủ tục vay vốn, chỉ có một số ngân hàng có thể cho vay nhưng với hồ sơ rất ngặt nghèo. Chỉ có một số cái tên dễ vay và có hồ sơ đơn giản, như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất rất cao (từ 12 – 14%/năm) hay Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lên đến 15 – 16%/năm và không bắt buộc mua BHNT. Điển hình như nhân viên của hãng xe MG, tên Mạnh khẳng định: “Chỉ cần Căn cước công dân, Giấy đăng ký kết hôn và Hợp đồng đặt cọc xe là em có thể làm hồ sơ vay vốn cho anh và đậu 100% ở VPBank”.

Còn lại đa phần các ngân hàng đều bắt buộc mua BHNT. Thực tế, PV yêu cầu có ngân hàng nào lãi suất tốt, Vân giới thiệu Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc) lãi suất năm đầu cố định là 9,9%/năm, từ năm thứ hai sẽ được tính là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng + 4%. Về phí trả trước hạn trong 12 tháng là 2%, từ 13 đến 36 tháng là 1%. Tuy nhiên để được duyệt khoản vay này, người mua xe ô tô phải mua BHNT là 2% khoản vay, như trường hợp của PV giả định vay 400 triệu đồng, phải mua BHNT là 10 triệu. Như vậy, người mua chiếc xe ôtô trả góp, bắt buộc phải mua gói bảo hiểm 10 triệu/năm dù không có nhu cầu.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Cường (ngụ quận Bình Thạnh, Tp.HCM) mua chiếc xe ôtô Ford Everest bắt buộc phải mua gói bảo hiểm hơn 20 triệu đồng/năm. Dù nói gói bảo hiểm này là “tự nguyện” nhưng thực chất là bắt buộc phải mua để được dược khoản vay. Chưa dừng lại ở đây, ngoài phải mua BHNT, phía ngân hàng còn sử dụng chiêu thức siết khách hàng là người vay phải mua thêm các khoản bảo hiểm khác, như bảo hiểm vật chất xe (thân vỏ). Nếu không có bảo hiểm vật chất, ngân hàng sẽ không cấp/gia hạn giấy đi đường cho phương tiện.

Ông Cường cho biết thêm: “Hàng năm ngân hàng sẽ cấp giấy đi đường cho xe và nếu không có bảo hiểm vật chất xe ôtô (hàng năm mua theo tỷ lệ giá trị xe) thì họ sẽ không cấp, vì vậy, bắt buộc khách hàng phải mua gói bảo hiểm này”.

Khách hàng muốn sở hữu xe ô tô bằng phương thức trả góp như rơi vào ma trận của bảo hiểm.
Khách hàng muốn sở hữu xe ô tô bằng phương thức trả góp như rơi vào ma trận của bảo hiểm.

Điều đáng nói và "đau" hơn đó là khi mua BHNT hay bảo hiểm vật chất thì đối tượng mua là khách hàng vẫn còng lưng đóng tiền nhưng đối tượng thụ hưởng khi có vấn đề xảy ra lại là ngân hàng. Điều này được ghi bắt buộc trong hợp đồng.

“Họ nói rằng, khi mua BHNT, nếu chủ khoản vay có vấn đề gì sẽ dùng BHNT để thanh toán cho khoản vay. Trong khi bảo hiểm vật chất khách hàng vẫn mua và đối tượng thụ hưởng vẫn là ngân hàng. Thêm vào đó, tài sản là chiếc xe ngân hàng đã nắm giữ”, ông Cường cho hay.

Hiện nay, đa phần các ngân hàng đều áp dụng theo phương thức này, bắt buộc người mua xe ôtô trả góp phải mua BHNT, bảo hiểm vật chất, khiến cho khách hàng muốn sở hữu xe ôtô bằng phương thức trả góp như rơi vào ma trận của bảo hiểm.

Liên quan về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ có giải pháp để ngăn chặn tình trạng các ngân hàng ép khách phải mua bảo hiểm khi vay tiền. Trong đó, sẽ có đề xuất về việc các ngân hàng phải ghi âm và lưu ít nhất 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Đây sẽ là cơ sở, chứng cứ quan trọng để xem xét nhân viên đại lý bảo hiểm tư vấn cho khách hàng có đúng, đầy đủ hay không. Nội dung này là một trong những điều quan trọng trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Văn Bình, Đoàn luật sư Tp.HCM cho rằng, việc tham gia BHNT là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Còn ngân hàng không được bắt buộc hay ép buộc khách phải mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Mặt khác, các hãng bảo hiểm khi hợp tác ký kết với ngân hàng cũng không được yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Trên thực tế, thời gian qua, người vay đang bị ép mua BHNT rất nhiều, vì vậy, tôi cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải siết chặt công tác quản lý để chấn chỉnh tình trạng này.

Thanh Tùng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục