Người gửi tiền có cần nộp phí bảo hiểm tiền gửi?

Theo quy định, người gửi tiền không phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ phải có nghĩa vụ nộp phí này.

Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 nêu rõ, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Như vậy, bảo hiểm tiền gửi là một cơ chế quan trọng để bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản. Đây là một phần của hệ thống tài chính an toàn và ổn định mà nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã triển khai.

Theo Điều 3 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Ở Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) là tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này.

Người gửi tiền có cần nộp phí bảo hiểm tiền gửi?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Tuy nhiên, người gửi tiền không phải trực tiếp nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Thay vào đó, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nơi khách hàng gửi tiền sẽ chịu trách nhiệm nộp phí bảo hiểm này. Đây là một phần trong chi phí hoạt động của ngân hàng và được tính vào các khoản chi phí vận hành khác.

Đồng thời, tại Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi:

Người gửi tiền có cần nộp phí bảo hiểm tiền gửi? - Ảnh 1

- Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

- Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

-Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.

-Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

-Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Như vậy, người gửi tiền không phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ có nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Phí bảo hiểm tiền gửi được tính thế nào?

Phí bảo hiểm tiền gửi được tính dựa trên số dư tiền gửi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Mỗi ngân hàng sẽ nộp một khoản phí nhất định cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) theo quy định của pháp luật. Số tiền này được dùng để tạo lập quỹ bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền khi cần thiết.

Thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi là khi nào?

Người gửi tiền có cần nộp phí bảo hiểm tiền gửi? - Ảnh 2

Căn cứ Điều 6 Thông tư 24/2014/TT-NHNN, phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Chậm nhất vào ngày 20 của tháng đầu tiên quý thu phí, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp phí trùng vào ngày lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nộp vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần đó.

Chậm nộp phí bảo hiểm tiền gửi có bị phạt không?

Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về phí nộp thiếu, nộp chậm như sau:

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 20 của luật này thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

Trường hợp tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát hiện sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện.

Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nộp phí bảo hiểm tiền gửi và tiền phạt. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xử lý.

Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trích tài khoản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để nộp phí theo quy định tại khoản 3 điều này lần thứ hai, thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Như vậy, nếu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chậm nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

Mai Anh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục