Người dân đang để gần 800 nghìn tỷ đồng trong ngân hàng với lãi suất gần 0%

Dù có lãi suất chỉ khoảng 0,1%/năm, nguồn tiền gửi này lại tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Riêng trong quý 3/2021, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tăng thêm gần 40.000 tỷ đồng và so với đầu năm đã tăng gần 130 nghìn tỷ.

Người dân đang để gần 800 nghìn tỷ đồng trong ngân hàng với lãi suất gần 0% - Ảnh 1

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng.

Đến cuối quý 3/2021, số tài khoản thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng đã đạt 110,92 triệu tài khoản. Số dư tiền gửi thanh toán cũng tăng mạnh thêm gần 40.000 tỷ trong quý 3/2021 lên hơn 794 nghìn tỷ đồng.

Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ. Vì là các khoản tiền gửi không kỳ hạn, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào nên lãi suất ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,1%/năm.

Trong vòng 5 năm qua, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần và đặc biệt tăng mạnh kể từ năm 2020-2021. Từ đầu năm 2020 đến nay, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng tới 60%.

Người dân đang để gần 800 nghìn tỷ đồng trong ngân hàng với lãi suất gần 0% - Ảnh 2

Nguồn: SBV

Trong khi tiền gửi thanh toán tăng mạnh trong quý 3/2021 thì tiền gửi có kỳ hạn lại có xu hướng đi xuống. Tổng tiền gửi của dân cư tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm gần 2.500 tỷ trong tháng 8, tháng 9. So với đầu năm, tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống TCTD chỉ tăng vỏn vẹn 2,9%, mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi từ năm 2012 đến nay.

Nguyên nhân khiến tiền gửi có kỳ hạn sụt giảm là do lãi suất ở mức rất thấp, người dân ngày càng kém "mặn mà" với việc gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Thay vào đó, nhiều người đã dùng tiền để đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán,…với mức sinh lời hấp dẫn. Ngoài ra, làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh trong quý 3/2021 cũng tác động mạnh tới thu nhập, khả năng tích lũy của nhiều người. 

Trong khi đó, dù lãi suất gần như bằng 0%, tiền gửi thanh toán vẫn tăng mạnh thời gian qua là nhờ các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số, ví điện tử, thẻ ngân hàng,…phát triển mạnh mẽ. Các ngân hàng và trung gian thanh toán khác không ngừng đua nhau ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm giúp người dân ngày càng ưa chuộng giao dịch thanh toán điện tử hơn.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh mẽ tới thói quen của của người dân, hạn chế tiếp túc, chuyển dần sang mua hàng online, thanh toán online thay vì dùng tiền mặt như trước đây.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, 9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020, thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị. Từ tháng 3/2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Cuối tháng 10 vừa qua, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Đề án đặt ra những mục tiêu như đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tiến đến quốc gia không tiền mặt" gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Phạm Tiến Dũng nhận định, đó là là những mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Để làm được, các ngân hàng phải lấy khách hàng là trọng tâm, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông Dũng cho hay trong thời gian tới, NHNN tập trung tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số. Giải pháp tiếp theo là phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… “Đặc biệt, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng ” – Phó Thống đốc nêu quan điểm.

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục