Theo Business Standard, mới đây, Hiệp hội hiệu trưởng ở thành phố Mumbai - Ấn Độ đã kêu gọi học sinh tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
"Trong khi chính phủ Trung Quốc sử dụng quân sự chống lại Ấn Độ, với tư cách là công dân, chúng ta phải chắc rằng mình không giúp cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển" - ông Prashant Redij, thư ký Hiệp hội hiệu trưởng Mumbai, nói.
Hiệp hội - có khoảng 1.900 hiệu trưởng là thành viên và quản lý nhiều trường học trong thành phố - quyết định kêu gọi học sinh và hiệu trưởng các trường ngừng sử dụng văn phòng phẩm và các sản phẩm khác của Trung Quốc nhằm thể hiện lòng yêu nước.
“Nếu các bậc phụ huynh ý thức được về việc mua sản phẩm trong nước, nó sẽ thúc đẩy kinh tế của chúng ta, thay vì đóng góp cho kinh tế Trung Quốc”, ông Redij giải thích.
Tại nhiều cửa hàng, 99% sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc. Ảnh: Business Standard
Ngoài ra, một tổ chức phi chính phủ ở Andheri cũng kêu gọi biểu tình phản đối hàng nhập khẩu Trung Quốc để “gửi đi thông điệp yêu nước”.
Những cuộc biểu tình này không phải chuyện mới mẻ gì ở Ấn Độ. Tháng 10 năm ngoái, một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm tẩy chay hàng Trung Quốc cũng đã nổ ra nhưng không mấy thành công.
Tuy nhiên, ông Ramesh, chủ cửa hàng Gemini Stationery, cho rằng: "Nếu cuộc tẩy chay xảy ra, doanh nghiệp của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì hơn một nửa sản phẩm do Trung Quốc sản xuất".
Nhiều nhà bán lẻ nhỏ cũng cho rằng việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại kinh tế.
Tài khóa trước, Ấn Độ nhập khẩu tới 60 tỷ USD từ Trung Quốc, đẩy thâm hụt lên hơn 50 tỷ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Nam Á. Các mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là hàng điện tử, máy móc và hóa chất.
Trâm Anh