Ngày Quốc khánh 2/9/1945: Dấu son vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam

(KDPL) - Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội, cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bàn ra mắt Chính phủ lâm thời. Chiều ngày 2/9/1945, trong sự háo hức nghẹn ngào của hơn 50 vạn người dân Hà Nội cùng hàng triệu trái tim hướng về từ mọi miền Tổ quốc, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

72 năm trôi qua kể từ ngày bản “Tuyên ngôn độc lập” được vang lên trên quảng trường Ba Đình, cho đến nay, ý nghĩa của ngày 2/9/1945 vẫn được khắc ghi đời đời bao thế hệ con em Việt Nam, như dấu son hào hùng, vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc. Lần đầu tiên nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng đến thế, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ngày Quốc khánh 2/9/1945: Dấu son vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Ảnh 1

Chiều ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc, là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước, thấm đượm tinh thần bất khuất và chí khí hào hùng trong “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Tuyên ngôn độc lập bất hủ 2/9/1945 là văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền, mở ra một kỷ nguyên mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Không những vậy, đó còn là sự mở đầu cho một chế độ mới, một nhà nước công – nông đầu tiên khu vực Đông Nam Á: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhân dân cả nước càng đoàn kết đồng lòng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để 30 năm sau hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta trân trọng và phát huy những giá trị của lịch sử để xây dựng hiện tại và hướng tới tương lai.

72 năm đã qua, bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lòng người như sự thức tỉnh, khẳng định niềm tin và sức mạnh của dân tộc Việt Nam vào tương lai tươi đẹp. Đó là áng văn bất hủ góp phần làm nên cốt cách và tâm hồn của dân tộc ta. Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.

Ngày Quốc khánh trở thành dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng dân tộc. Là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho dân tộc.

Văn Thịnh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục