Ngân sách với bài toán ứ đọng 90.000 tỷ đồng

(Kinhdoanhnet) - Hầu hết Trái phiếu Chính phủ được các ngân hàng mua lại nhưng có tới 90.000 tỷ đồng thu từ trái phiếu chưa được giải ngân đúng hạn, dẫn tới tình trạng ứ đọng vốn.

Tính đến hết tháng 6/2014, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 138 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, hoàn thành 66% kế hoạch phát hành của năm 2014.

Phần lớn số TPCP phát hành được các ngân hàng thương mại (NHTM) mua lại. Nếu như trước đây chỉ là những NHTM lớn, dư dả vốn mới tìm đến kênh đầu tư TPCP do lợi suất thấp thì nay hầu hết các NHTM đều tham gia đấu thầu TPCP.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro cho vay cao trong khi huy động vào tăng, các NH vẫn phải đảm bảo thanh khoản.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc TPCP thu hút được dòng vốn đầu tư là tín hiệu tốt, hỗ trợ rất tốt cho Chính phủ trong thực hiện các điều hành chính sách vĩ mô nhất, đảm bảo cân đối thu chi phục vụ đầu tư phát triển.

Dòng tiền ứ đọng

Việc các NHTM đầu tư vào trái phiếu Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất thấp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách và cơ cấu lại các trái phiếu Chính phủ đến hạn thanh toán, đồng thời đáp ứng nguồn vốn để giải ngân các dự án, công trình trọng điểm. Đối với nền kinh tế, việc tăng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ có tác động rất tốt trong bối cảnh tín dụng chưa thể mở rộng, việc các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu Chính phủ có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, doanh nghiệp thuộc diện sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ được đánh giá là một kênh đầu tư tốt và an toàn cho các ngân hàng bởi có thể chuyển sang tiền mặt bất cứ lúc nào khi có nhu cầu về thanh khoản. Trong khi đó, vốn huy động đầu vào của ngân hàng vẫn dồi dào, khiến các ngân hàng phải đẩy vào trái phiếu Chính phủ.

Mặc dù việc huy động TPCP đem lại lợi ích kép cho cả NHTM cũng như chính sách tài khóa trong bối cảnh tổng cầu kinh tế yếu nhưng với báo cáo tồn ngân 90.000 tỷ đồng ngân sách do không giải ngân đúng hạn khiến không ít chuyên gia kinh tế bất ngờ và lo ngại. NHTM huy động của người dân đem mua TPCP nhận lãi suất và Nhà nước sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào nền kinh tế. Nhưng khi nguồn vốn nghẽn lại, nền kinh tế không được đầu tư để tăng trưởng và Nhà nước vẫn phải trả lãi cho khoản vay của mình.

Hơn nữa, khi KBNN không giải ngân được và cũng không thể ôm nhiều tiền như thế thì buộc tiền phải được gửi vào các NHTM để lấy lãi. Hậu quả, dòng tiền của xã hội lòng vòng quanh trong hệ thống  mà không thể ra ngoài nền kinh tế, làm rối loạn cũng như mất tác dụng các chính sách tài khóa tiền tệ. Một lần nữa đặt chính sách tài khóa – tiền tệ vào thế lưỡng nan. Việc giải ngân không kịp tiến độ đã biến những dấu hiệu tích cực dần đó trở thành nỗi lo.

Ngân sách với bài toán ứ đọng 90.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Nếu cứ tiếp tục huy động TPCP thì áp lực giải ngân vào cuối năm sẽ rất lớn, các ngân hàng sẽ tiếp tục mua TPCP cho dù lãi suất đã hạ thấp sao với đầu năm. Khi đó, rủi ro về giải ngân ồ ạt, vào các công trình dự án kém hiệu quả sẽ tăng lên. Mặt khác nếu ngừng huy động TPCP thì có thể không đảm bảo cân đối ngân sách. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ với các ngân hàng.

Cụ thể, ngành ngân hàng cần tập trung xử lý những vướng mắc được chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề ra tại buổi sơ kết 6 đầu năm là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo, bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn,…Về phía bộ Tài chính là thủ tục hành chính cũng như việc phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong giải ngân. Nếu không mục tiêu tăng trưởng 5,8% của Chính phủ sẽ gặp nhiều thách thức.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong hoạt động và chính sách nhằm đạt mục tiêu chung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính cũng cam kết cùng song hành với NHNN trong việc thực thi chính sách.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục