Ngân sách eo hẹp vẫn xóa gần 5.000 tỷ phạt chậm nộp thuế

(Kinhdoanhnet) - Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong giai đoạn từ 2008 – 2013 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến cho các doanh nghiệp cũng gặp khó trong hoạt động kinh doanh nên đã chậm nộp tiền thuế. Mức phạt ban đầu được tính "lãi suất" 0,05%/ngày, tương ứng 18,3%/năm đánh trên số tiền thuế chậm nộp. Riêng với các khoản nợ thuế trên 90 ngày, mức tính tiền phạt chậm nộp sẽ tăng thêm 0,02% mỗi ngày, từ 0,05% lên 0,07%/ngày, tương ứng "lãi suất" 25,5%/năm.

Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan khiến các doanh nghiệp chậm nộp thuế như thị trường tiêu thụ khó khăn, tồn kho sản phẩm cao, lạm phát cao, tín dụng vay ngân hàng lãi suất cao, trên 20%/năm, chu kỳ sản xuất kéo dài và bị khách hàng chậm thanh toán số tiền lớn. Nếu như tiếp tục bị phạt chậm nộp thuế, những doanh nghiệp sẽ “khó khăn chồng chất khó khăn”.

Bộ Tài Chính cũng đã lên tiếng khẳng định hiện nền kinh tế khó khăn người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, vì thế khó có khả năng nộp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng.

“Có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế”.

Nếu tình trạng này cứ tái diễn mà không có cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được sẽ ngày càng lớn, gây áp lực cho người nộp thuế, khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Thậm chí, còn đẩy các doanh nghiệp vào “cửa tử”.

Án phạt nợ thuế cao, nhiều doanh nghiệp dễ rơi vào 'cửa tử'.
Án phạt nợ thuế cao, nhiều doanh nghiệp dễ rơi vào "cửa tử".

Trong 9 tháng qua, cả nước đã có 48.330 doanh nghiệp buộc phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng tháng 9 có 4.549 doanh nghiệp lâm vào tình trạng này.

Các doanh nghiệp ngày càng phá sản nhiều khiến cho tình trạng nợ đọng thuế từ năm 2011 đến nay có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước.

Từ năm 2009 đến nay, số tiền phạt chậm nộp liên tục tăng lên, bình quân mỗi năm tăng 2.000 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét phương án xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 để hỗ trợ các doanh nghiệp có khó khăn do khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp gặp khó khăn nào cũng được xóa phạt nợ thuế để đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Các doanh nghiệp trong diện xóa nợ cần phải có các tiêu chí sau:

Thứ nhất phải là doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế.

Tiếp đó, các doanh nghiệp này phải có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.

Cuối cùng đây phải là các doanh nghiệp phải vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.

Như vậy dự kiến tổng số phạt nợ thuế được xóa nợ sẽ rơi vào khoảng 4.800 tỷ đồng.

Động thái tích cực này của Bộ Tài chính không những được cộng đồng DN đón nhận vì giảm được hàng ngàn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, mà còn giảm áp lực rất lớn cho cơ quan thuế quản lý thuế trong việc thu hồi tiền phạt chậm nộp thuế cũng như tiền nợ thuế.

Theo ông Phi Vân Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, mặc dù thu ngân sách vẫn chưa hết khó khăn, nhưng Nhà nước cần chia sẻ với DN bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau, đặc biệt là giải pháp xóa tiền phạt chậm nộp thuế.

Trao đổi về vấn đề này ông Trần Văn Nhiên - Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng chia sẻ để có thể giảm được nợ thuế, cơ quan thuế đã phải đi “dỗ” doanh nghiệp nộp tiền nợ thuế còn tiền phạt chậm nộp… thì nên để giải quyết sau.

“Tiền phạt chậm nộp thuế tăng mạnh một phần là do mức phạt chậm nộp thuế hiện nay quá nặng. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho ngành thuế, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cần phải có các giải pháp đồng bộ, thiết thực, trong đó phải xử lý ngay khoản tiền phạt chậm nộp thuế và nghiên cứu giảm mức phạt nợ thuế”, ông Nhiên nói.

H.C (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục