Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, cho biết chưa có thời điểm nào như thời điểm này, các tổ chức tín dụng (TCTD) tự nguyện trích lập dự phòng rủi ro. Đó là cơ sở bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và góp phần xử lý nợ xấu.
Tăng trích lập dự phòng
Báo cáo tài chính quý II/2014 của nhiều ngân hàng cho thấy các ngân hàng đã quan tâm đến trích lập dự phòng rủi ro.
Trong báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm, Vietcombank đạt lợi nhuận trước dự phòng gần 5.180 tỷ đồng và tương đương mức tăng tới hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank chỉ còn lại 2.778 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro tới 2.400 tỷ đồng.
ABBank tăng trưởng cao, lợi nhuận trước dự phòng là 278 tỷ đồng. Tuy nhiên trích lập dự phòng 108 tỷ (trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 11,54 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế đạt 170 tỷ đồng, giảm 20,5%.
VIB cũng cho biết, lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, tăng 26% (quy đổi theo năm) so với năm 2013. Nhưng VIB tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao, ở mức 447 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 151 tỷ đồng (con số này chưa bao gồm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận do đánh giá lại danh mục trái phiếu Chính phủ). Quỹ dự phòng rủi ro lũy kế sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro là 1.700 tỷ.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, 6 tháng qua, lợi nhuận của Ngân hàng ước tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận thu về chủ yếu để trích dự phòng rủi ro nợ xấu. SCB đã trích lập dự phòng thêm 100 tỷ đồng so với con số 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013.
Bình luận về động thái này của các ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng do xu hướng nợ xấu của ngân hàng tăng lên vì áp dụng quy định mới của Thông tư 09 (phân loại nợ theo 2 nhóm). Bởi vậy, các ngân hàng phải rải trích lập dự phòng trong năm nhằm tránh gây sốc về cuối năm.
Các ngân hàng không chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà còn chú trọng dự phòng rủi ro. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết, “Nếu vẫn tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, trích lập dự phòng không đầy đủ và chặt chẽ, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao, nhưng điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng theo hướng này”.
Đảm bảo an toàn
Có thể thấy nợ xấu đang là nỗi ám ảnh với các ngân hàng. Dù đã tích cực xử lý nhưng nợ xấu toàn ngành vẫn có xu hướng tăng. Theo thống kê từ NHNN mới đây cho thấy, sau khi tăng lên mức 4,03% đến cuối tháng 4/2014, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng mạnh lên mức 4,84% vào cuối tháng 6 vừa qua.
Vì vậy, việc một số ngân hàng “mạnh tay” trích lập dự phòng rủi ro cũng là điều dễ hiểu nhằm hạn chế những “cú sốc” khi Thông tư 09 được thực hiện một cách đầy đủ vào đầu năm tới.
Các ngân hàng, khi giải ngân hồ sơ đã phải có khoản trích lập dự phòng và dùng dự phòng để đảm bảo cho các khoản nợ sẽ thu hồi trong tương lai hoặc chưa thể thu hồi. Vì thế, không khó hiểu khi các nhà băng đều tăng khoản trích lập dự phòng của mình, thậm chí có ngân hàng hy sinh phần lớn lợi nhuận để trích lập.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng giờ đây cần quan tâm tới thực trạng hoạt động chứ không phải là sự đánh bóng với con số lợi nhuận, mà bỏ qua sự tồn tại của rủi ro nợ xấu. Bởi vậy, việc đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý trong năm là cần thiết; như vậy, các ngân hàng cũng tránh được cú sốc sụt giảm lợi nhuận cuối năm.
Quốc Hưng (Tổng hợp)