Ngân hàng sống nhờ Ngân sách Nhà nước

(Kinhdoanhnet) - 90% tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là do đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng như tín phiếu Kho bạc Nhà nước

Chủ nợ của Chính phủ

6 tháng đầu năm, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã mua 200.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu KBNN, chiếm tới 90% tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm. Dường như trong bối cảnh kinh tế hiện tại, trái phiếu Chính phủ và tín phiếu KBNN là kênh đầu tư an toàn nhất mà vẫn đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, KBNN đã phát hành hơn 138 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương đương 66% kế hoạch cả năm. Phần lớn số trái phiếu được các ngân hàng mua lại. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng dành từ 87% - 90% dòng tiền của mình để đầu tư cho trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc. Mặc dù lãi suất trái phiếu và tín phiếu giảm so với năm ngoái ở tất cả các kỳ hạn.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sau. Tín dụng tiếp tục tắc nghẽn, tốc độ tăng trưởng rất chậm và yếu. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và ổn định nên có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thấp lãi suất điều hành thêm 1% trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lượng trái phiếu Chính phủ được đáo hạn trong 6 tháng đầu năm lên tới 52 nghìn tỷ đồng, góp phần bổ sung thêm một nguồn vốn lớn cho các ngân hàng.

Ngân hàng sống nhờ Ngân sách Nhà nước - Ảnh 1

Đầu tư vào doanh nghiệp

Việc các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất thấp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách và cơ cấu lại các trái phiếu Chính phủ đến hạn thanh toán, đồng thời đáp ứng nguồn vốn để giải ngân các dự án, công trình trọng điểm. Đối với nền kinh tế, việc tăng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ có tác động rất tốt trong bối cảnh tín dụng chưa thể mở rộng, việc các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu Chính phủ có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, doanh nghiệp thuộc diện sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ được đánh giá là một kênh đầu tư tốt và an toàn cho các ngân hàng bởi có thể chuyển sang tiền mặt bất cứ lúc nào khi có nhu cầu về thanh khoản. Trong khi đó, vốn huy động đầu vào của ngân hàng vẫn dồi dào, khiến các ngân hàng phải đẩy vào trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong thời gian dài thì rất đáng lo. Bời chức năng chính của ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vốn cho Chính phủ. Vì thế, một thách thức lớn trong nửa năm còn lại trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính là cải thiện tăng trưởng tín dụng, góp phần cải thiện khu vực đầu tư tư nhân bị chèn ép trong nhiều năm qua.

Một thực tế trong nửa đầu năm, trong khi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc được mùa thì trái phiếu doanh nghiệp cũng cố gắng bon chen và tạo được sự chú ý nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu trên thị trường tài chính.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đạt trên 14 nghìn tỷ đồng; cơ cấu được chuyển dịch theo hướng bền vững hơn: trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ mức 73% trong năm 2013 tụt xuống 11% trong khi doanh nghiệp khai khoáng vọt lên 68%, tiếp đến là doanh nghiệp nông nghiệp 11%.

Đến thời điểm này, khá nhiều doanh nghiệp khối cổ phần đã hoàn tất các thủ tục nội bộ và sẵn sàng các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cộng với trạng thái dư thanh khoản, lạm phát thấp như nói trên, chắc chắn các ngân hàng sẽ để mắt đến trái phiếu doanh nghiệp.

Nhưng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phải nhìn lại mình, nhất là vấn đề minh bạch thông tin. Nhiều năm nay, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường âm thầm đàm phán với ngân hàng, mọi thông tin các đợt phát hành đều kín như bưng, cũng như ẩn phía sau là quan hệ lợi ích nhón, sở hữu chéo. 

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục