Ngân hàng rao bán loạt bất động sản ngàn tỉ

Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán nhà, đất cầm cố cho thấy khoản nợ xấu bất động sản tại ngân hàng không hề nhỏ.

Những tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra rao bán đấu giá, thanh lý hàng loạt bất động sản (BĐS) là tài sản thế chấp để thu hồi món nợ hàng ngàn tỉ đồng.

Rao bán từ căn hộ đến dự án trăm tỉ

Trong tháng 2 và tháng 3, Sacombank đã thông báo đấu giá hàng loạt BĐS tại TP.HCM, tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Đơn cử như Sacombank cho đấu giá các tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để xử lý nợ xấu. Các tài sản này bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ bồi thường diện tích hơn 20.800 m2 (quận 8, TP.HCM) thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và hai quyền sử dụng thửa đất số 464 và 544 với tổng diện tích 12.669 m2. Giá khởi điểm cho lô tài sản này là 640 tỉ đồng.

Tại quận Bình Thạnh, Sacombank đấu giá khu đất diện tích hơn 6.380 m2. Tài sản này được rao bán với giá khởi điểm gần 377 tỉ đồng. Trong tháng 3, ngân hàng này sẽ tiếp tục rao bán khu đất hơn 6.300 m2 tại quận Tân Phú thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh BĐS Tân Phong. Giá khởi điểm của khu đất này cũng lên tới gần 400 tỉ đồng. Ngoài ra, Sacombank còn đang đấu giá nhiều lô đất khác nằm rải rác tại quận 6, quận 11, quận 12... (TP.HCM) với giá trị từ 7,5 tỉ đến 122 tỉ đồng.

Tương tự, sau nhiều lần rao bán, mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục đấu giá 32 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7. Đây là số tài sản thế chấp của Công ty CP Đức Khải.

Trong đợt phát mại lần thứ năm này, tổng giá bán 32 căn hộ này là hơn 116 tỉ đồng, trong đó mỗi căn dao động 2,4-5,3 tỉ đồng. Giá bán bao gồm VAT và chưa bao gồm 2% phí bảo trì. BIDV Gia Định sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 60% giá mua theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng ồ ạt rao bán nhà, đất cầm cố có thể cho thấy khoản nợ xấu BĐS tại ngân hàng không hề nhỏ. Xoay quanh câu chuyện thanh lý tài sản đảm bảo, vị này cho biết với các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỉ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Thế nhưng những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng thường phải mất nhiều lần rao bán, thậm chí cả chục lần rao rồi hạ giá mới thanh lý được.

“Nguyên nhân khó bán cũng do chính thị trường đang gặp khó khăn. Một vài phân khúc giá cũng đang giảm. Trong khi đó, các ngân hàng khi có tài sản bảo đảm họ luôn muốn bán giá cao. Thị trường giảm giá nghĩa là đi ngược lại với mong muốn của các ngân hàng. Người bán vẫn giữ giá cao, trong khi người mua luôn muốn mua với giá rẻ và họ đang chờ đợi giá rẻ hơn nữa. Vì thế quá trình thanh lý bị kéo dài” - ông Hiếu nói.

Ngân hàng BIDV nhiều lần rao bán hàng chục căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên - The Era Town (quận 7). Ảnh: QUANG HUY  
Ngân hàng BIDV nhiều lần rao bán hàng chục căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên - The Era Town (quận 7). Ảnh: QUANG HUY  

Vừa mừng vừa lo

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường BĐS và nền kinh tế, việc bán nhà, đất cầm cố của các ngân hàng là tin vui nhưng cũng ẩn chứa nhiều cảnh báo đáng lo ngại.

Ở hướng tích cực, khi ngân hàng có phương án xử lý nợ xấu bằng động thái thanh lý tài sản thì sẽ đảm bảo giúp giải quyết món nợ. Từ đó hoạt động ngân hàng trở nên minh bạch, vận hành tốt hơn.

“Đặc biệt, để thu hồi nợ nhanh, các ngân hàng sẽ hạ giá tài sản BĐS so với giá thị trường. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, người mua nhà để ở có thể mua tài sản với giá thấp. Nếu tài sản này được bán đấu giá thành công, tính thanh khoản tốt sẽ giúp thị trường BĐS phục hồi sôi động hơn” - ông Hiếu đánh giá.

Đối với người mua nhà đang nhắm đến các tài sản BĐS được đấu giá này, ông Hiếu góp ý nếu mua tài sản phát mại vào mục đích để ở, giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường thì có thể mua. Nếu người mua phải vay ngân hàng để mua thì cần cân nhắc với bài toán tài chính.

Đối với việc giải quyết vấn đề nợ xấu theo cách này của các ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần sự đồng hành quyết liệt hơn từ các bộ, ban, ngành, đẩy mạnh việc cho vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước và điều chỉnh việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước ở mức độ phù hợp. Đề xuất thời gian giãn, hoãn nợ theo Thông tư số 01 là hết năm 2021, tại thời điểm dịch COVID-19 có thể được kiểm soát tốt hơn, tiềm lực của ngân hàng và doanh nghiệp cũng được nâng cao.

Bên cạnh đó, TS Lực cho rằng giải pháp lâu dài cần có một luật xử lý nợ xấu để bảo đảm tính nhất quán và đồng bộ. Đặc biệt là xem xét tính cưỡng chế cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để bộ luật có tác động mạnh hơn. Việt Nam cần phải có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Điều này sẽ giúp tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ và hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển.•

Tìm hiểu kỹ pháp lý tài sản trước khi mua

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết các tài sản nhà, đất được ngân hàng rao bán phần lớn có giá thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, người mua các tài sản này cần tìm hiểu rõ về pháp lý, thủ tục quy hoạch của dự án nhà, đất bán đấu giá. Đồng thời phải lưu ý tính pháp lý quyền mua, quyền bán; các thủ tục giải chấp tài sản... Khi tìm hiểu kỹ, người mua có thể tránh được những rắc rối về sau, không phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Đồng thời tránh được tình trạng dự án khó triển khai sau khi hoàn thành đấu giá. 

Quanh Huy

Pháp Luật HCM
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục