Trước đó, không ít trường hợp NH đã “lỡ hẹn” vài ba năm sau khi đưa ra kế hoạch tăng vốn. Liệu kế hoạch tăng vốn của những NH này có thực hiện được hay không?
Thông tin mới nhất từ tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 vào cuối tháng 3/2015, NH Quốc tế (VIBank) sẽ trình cổ đông phê duyệt việc phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ mức 4.250 tỷ đồng lên 4.845 tỷ đồng.
Cụ thể, VIBbank dự kiến sẽ phát hành 59,5 triệu cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (thặng dư phát hành), tỷ lệ nhận cổ phiếu thưởng là 14%.
Theo Hội đồng quản trị, VIBank hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lần gần đây nhất vào ngày 20/10/2011 (tăng từ 4.000 tỷ đồng lên 4.250 tỷ đồng). Mức vốn điều lệ này đã đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu vốn của NH giai đoạn từ đó đến nay.
Tuy nhiên, để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm nay cũng như thời gian tiếp theo, vốn điều lệ của VIBank cần được bổ sung cho phù hợp, nhằm nâng cao năng lực vốn, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh trong một chu kỳ kinh doanh mới.
Cũng đầu năm 2015, 3 NH khác cùng công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đó là NH Đông Á (DongABank) thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 5:1 với giá bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của DongABank đã vạch ra từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Kế tiếp là NH Bắc Á (BacABank) đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc BacABank tăng vốn điều lệ từ 3.700 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng chấp thuận việc NH Nam Á (NamABank) tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.
Hiện tại, nhiều NH có kế hoạch tăng vốn nhưng chưa thực hiện xong như NH Việt Á (VietABank) với dự định tăng vốn từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, NH Sài Gòn (SCB) đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.295 tỷ đồng lên 14.295 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới hơn.
Thực tế chiến lược tăng vốn điều lệ của các NH trên đều đã lên kế hoạch từ vài năm trước nhưng đến nay số NH thực hiện thành công không nhiều. Lãnh đạo của DongABank từng cho biết trong lúc nền kinh tế khó khăn nên việc mời gọi cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần gặp rất nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy có tới 12 NH có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng, như NamABank, VietBank, BaoVietBank, VietABank, PGBank, KienLongBank, Vietcapital Bank đang chỉ mới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng nhưng lại đứng trước áp lực tái cơ cấu trong giai đoạn 2015. Còn nhớ theo kế hoạch VietABank sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2013 lên 3.500 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị NH cho biết đã triển khai công tác chuẩn bị cho việc phát hành tăng vốn và đã gửi văn bản đề nghị xin chấp thuận chủ trương phát hành tăng vốn đến NHNN. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này đề án tái cơ cấu của VietABank lại đang được NHNN xem xét để phê duyệt nên NH đã không kịp triển khai và các kế hoạch đã được dời sang năm 2014 và 2015. Tuy nhiên đến nay số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của NH vẫn chưa có sự thay đổi mới.
Tính thời điểm hiện tại, có đến 6-8 thương vụ sáp nhập NH được thị trường đồn đoán và trong đó có liên quan đến những NH đang có kế hoạch tăng vốn. Chẳng hạn như các dự báo là sắp tới DongABank sẽ trình cổ đông phê duyệt đề án sáp nhập với một nhà băng khác, NamABank dự kiến sẽ về với Eximbank. Đó là chưa kể đến những trường hợp đang chịu áp lực tái cơ cấu, tìm kiếm đối tác sáp nhập khác cũng có kế hoạch tăng vốn từ trước.
Tuy vậy, ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng các thương vụ M&A sắp tới sẽ góp phần làm cho hoạt động NH lành mạnh hơn, nâng cao năng lực tài chính. Bởi cũng có trường hợp NH phải buộc tái cơ cấu, sáp nhập để tồn tại vì quy mô vốn điều lệ quá khiêm tốn so với các “ông lớn” khác.
Trong khi đó các cổ đông không muốn hoặc không đủ tiềm lực để tiếp tục rót vốn vào. Do vậy, chiến lược tăng vốn của các NH sẽ có được hồi đáp trong mùa đại hội đồng cổ đông NH 2015 đang được chờ đợi. Vì khi đó những chủ trương tăng vốn, kế hoạch sáp nhập cũng mới thực sự được tiết lộ phần nào.
Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư