Ngân hàng nội buộc phải “lớn” để “chống đỡ” lại ngân hàng ngoại

Thời gian gần đây sự gia tăng ồ ạt của các ngân hàng ngoại vào thị trường Việt Nam đang khiến cho các ngân hàng nội bị “lép vế”, muốn cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại này các nhà băng sẽ buộc phải lớn mạnh hơn nữa.

Ào ạt “đổ bộ”

Thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vừa đón nhận thêm một ngân hàng ngoại gia nhập, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép thêm một ngân hàng ngoại  là Public Bank Berhad (PBB- Malaysia) 100% vốn hoạt động. Sự chuyển đổi của PBB từ ngân hàng liên doanh lên ngân hàng 100% vốn ngoại, đã nâng số lượng nhà băng ngoại 100% hoạt động tại thị trường ngân hàng trong nước lên con số 6. Đó là chưa kể 43 chi nhánh và 49 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Cho rằng việc các nhà băng ngoại tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam là tất yếu, bà Phạm Thùy Dương – Phó Tổng giám đốc  Ernst&Young (EY) Việt Nam bày tỏ, con số này sẽ chưa dừng lại khi tới đây Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015. Và áp lực với các nhà băng nội trong cuộc cạnh tranh tới đây ngày càng rõ nét, bởi thực tế là không chỉ các nước trong khu vực, mà ngay cả các nước ngoài ASEAN cũng đang rất quan tâm thị trường.

ngân hàng ngoại, nhà băng ngoại, đổ bộ, xâm nhập, thị trường, ngân hàng nội, thị trường ngân hàng
Sự lớn mạnh của các ngân hàng ngoại tại thị trường trong nước đang tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà băng nội.

Vì, ngoài việc hình thành AEC thì theo cam kết WTO, tới năm 2020 thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng không giới hạn cho các nhà băng ngoại. Và bằng chứng là hiện đang có các nhà băng ngoại đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang “nhăm nhe” muốn vào.

“Các nhà băng ngoại đang rất khát khao thị trường Việt Nam, và họ đang chờ đợi thời cơ để có được “tấm vé” chính thức” – bà Dương nói.

Sự xâm nhập một cách "ồ ạt" và bành trướng của các nhà băng ngoại với tiềm lực lớn thực sự là mối lo cho ngân hàng nội. Đáng nói là, do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng ruột của nước mình, mà còn mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ - vốn lâu nay được coi là mảng sản phẩm truyền thống của các ngân hàng nội địa. Ngoài ra, số ngân hàng ngoại với tiềm lực tài chính lớn cũng “hút” thêm lượng khách hàng nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam…

Ngân hàng nội buộc phải “lớn” để cạnh tranh

Dù không nằm trong diện phải tái cơ cấu, nhưng Phó tổng giám đốc một ngân hàng trong nhóm G12 tại Hà Nội thừa nhận, hiện các ngân hàng nội đã nhận thấy mối lo này và đã lên kế hoạch ứng phó.

Vị này tiết lộ, hai năm qua ngân hàng ông đã “vạch” hẳn một chiến lược đầu tư vào công nghệ một cách bài bản để có sự “thay đổi về chất” thực sự. Khoản đầu tư vào “giá trị cốt lõi” này, theo ông là để ngân hàng đón trước “làn sóng” cạnh tranh mới, phát triển mạnh hơn mảng bán lẻ và mở rộng mạng lưới khi hàng loạt ngân hàng ngoại sẽ gia nhập thị trường thời gian tới.

Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển, đồng thời, cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng.

Nói về áp lực của các ngân hàng nội, ông Keith Pogson – lãnh đạo cấp cao của hãng kiểm toán EY cảnh báo, các ngân hàng của Việt Nam còn 5 năm nữa để các chuẩn bị nội lực cho mình, nếu như không muốn thị phần “rơi tõm” vào tay các ngân hàng ngoại. Đề cập tới những điểm yếu tồn tại của các ngân hàng nội, điều đầu tiên lãnh đạo cấp cao của EY chỉ ra, đó là thị trường ngân hàng nội đang có quá nhiều ngân hàng nhỏ. Và cũng chính vì thị trường ngân hàng Việt Nam quá nhiều ngân hàng “li ti”, nên chỉ chú trọng đổ vốn để có được doanh thu, lợi nhuận…

“Việt Nam cần có những ngân hàng quy mô lớn hơn nữa, là trụ cột thì mới có thể cạnh tranh với các ngân hàng ngoại. Chủ trương rút về 15-17 ngân hàng của NHNN, trong đó sẽ có những ngân hàng thực sự lớn để cạnh tranh là hoàn toàn đúng đắn”- lãnh đạo EY chia sẻ và nhấn mạnh, Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng “trụ cột quốc gia”, bên cạnh những ngân hàng nhỏ hơn phục vụ thị trường “ngách”.

Bên cạnh đó, trong thời đại số hóa ông Keith cho rằng, ngoài tỷ trọng vốn, thì công nghệ đang là yếu tố giúp một nhà băng nắm 50% phần thắng trong tay. Bởi đơn giản, ngân hàng có quy mô lớn có khả năng đáp ứng chi phí ngày càng cao của công nghệ, có khả năng tạo ra những dịch vụ, sản phẩm có giá trị gia tăng, thu hút tiền gửi trong dân cư, tích lũy vốn dành cho các dự án lớn… Về điểm này lãnh đạo EY nhấn mạnh, các ngân hàng nội vẫn còn “chủ quan” và chưa chút trọng đầu tư để đủ sức cạnh tranh với những nhà băng “lão làng” khác.

"Đã tới lúc các ngân hàng Việt Nam thay đổi nhận thức và cần đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, vào giá trị cốt lõi. Bởi về lâu dài thị trường cần có những ngân hàng có mạng lưới thanh toán lớn, phục vụ mục tiêu bán lẻ tốt" - ông Keith nói.

Cho rằng, sự “đổ bộ” của các nhà băng ngoại là không tránh khỏi, nhưng dưới góc nhìn của mình chia sẻ với Infonet, TS. Nguyễn Trí Hiếu không cho rằng cuộc “xâm nhập” này sẽ khiến các nhà băng nội yếu đi. Ngược lại, nó sẽ là động lực để các ngân hàng trong nước lớn mạnh hơn, tăng sức cạnh tranh nếu không muốn bị “nuốt chửng”.

“Các ngân hàng nội đang nỗ lực chuyển mình qua việc tái cơ cấu vừa rồi, và khi có thêm động lực buộc sự chuyển mình đó phải diễn ra nhanh hơn nếu không muốn loại khỏi sân chơi ngày càng cạnh tranh khốc liệt” – ông nói.

Theo Infonet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục