Lợi nhuận giảm vì dự phòng
Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) quý II/2014 báo lãi thuần đạt 150 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do khoản trích lập dự phòng rủi ro của VietA Bank tính đến tháng 6/2014 lên gần 600 tỷ đồng.
Tương tự, PGBank cũng báo lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý II/2014 do phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 100% lợi nhuận thuần. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 87 tỉ đồng. Không chỉ báo cáo lỗ, PGBank cho biết, nợ quá hạn đến ngày 30/6 vẫn còn hơn 1.700 tỷ đồng, chiếm 12% tổng dư nợ.
ABBank công bố thu nhập lãi thuần đạt 403 tỉ đồng trong quý II/2014, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro đạt 67 tỉ đồng. Tuy nhiên, trích lập dự phòng cũng tăng lên rất nhiều khi mà thời điểm cùng kỳ năm trước, ngân hàng này chỉ trích lập dự phòng rủi ro gần 6 tỉ đồng thì 6 tháng đầu năm 2014, chi phí dành cho dự phòng của ABBank lại lên đến 110 tỉ đồng.
VIB cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Ngân hàng lên tới 598 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2013. Đóng góp đáng kể vào con số lợi nhuận này là nguồn lãi thu được từ cho vay cá nhân (chiếm 46%) và cho vay mua nhà (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước). Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VIB đạt 151 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng nhỏ cũng đang rơi vào tình trạng không còn lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chủ yếu vẫn là khó kiểm soát nợ xấu phát sinh từ những khoản vay cũ. Theo lãnh đạo một ngân hàng, để hạn chế rủi ro, các ngân hàng đang phải tăng cường kiểm soát rủi ro nợ xấu và kiên quyết không buông lỏng chất lượng tín dụng trước khi trao vốn cho khách hàng.
Còn nhiều thách thức
Theo lãnh đạo các ngân hàng, mặc dù nguồn vốn trong các ngân hàng còn rất nhiều nhưng không thể cho vay “bằng mọi giá” để theo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhằm hạn chế thêm những rủi ro tín dụng mới phát sinh trong thời điểm này. Mặc dù, nguồn thu từ kinh doanh của các ngân hàng quy mô nhỏ vẫn phụ thuộc vào tín dụng đến 80-90%. Song chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) của vốn tín dụng hiện chỉ còn khoảng 1-2%.
Trong khi đó, NIM phải ở khoảng 3% mới đảm bảo cho ngân hàng trang trải chi phí và kỳ vọng có lãi. Bên cạnh đó, ngân hàng phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung, nhưng trong bối cảnh hiện nay ngân hàng vẫn đang phải trích lập cao hơn cho các khoản nợ xấu phát sinh. Do đó mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hiện không còn đảm bảo cho lợi nhuận.
Thậm chí, các ngân hàng nhỏ còn vấp phải sự cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại lớn khi các ngân hàng này sẵn sàng cho vay với mức lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động để thu hút doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nợ xấu tăng trở lại và các cơ chế xử lý nợ xấu còn thiếu, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro tăng cao; đồng thời biên lợi nhuận (NIM) có xu hướng thu hẹp, chênh lệch mặt bằng lãi suất giữa các nhóm ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh là những thách thức không nhỏ với OCB để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Tùng, OCB vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận 350 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hiện nay cũng bị dự phòng ăn hết lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, những NH lớn đang tái cơ cấu theo xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu mà không phát triển mở rộng như những năm trước đây, trong đó tập trung mạnh vào mảng kinh doanh dịch vụ. Còn những NH quy mô nhỏ, yếu kém cần tái cấu trúc theo hướng giải quyết những khó khăn hiện tại để từng bước đủ sức cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Như vậy, việc tăng nguồn vốn trích lập dự phòng rủi ro có thể làm giảm lợi nhuận trong trước mắt nhưng đảm bảo cho ngân hàng khỏe mạnh trong tương lai.
Quốc Hưng (Tổng hợp)