Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Báo Tiền Phong đưa tin, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Với các ngân hàng, NHNN yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay. Theo đó, các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Các tổ chức tín dụng tích cực chủ động truyền thông về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ", thông báo của NHNN nêu rõ.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phải theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của NHNN; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo thống kê của NHNN, trong tháng 5, lãi suất cho vay VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,5-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm các loại lãi suất điều hành.

Gần đây nhất, ngày 19/6, NHNN đã điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế hồi phục. Đây cũng là đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Qua đó, NHNN cũng tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1-6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Theo VnEconomy, tuy lãi suất huy động đang giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn neo cao. Tại họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN đã trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh nguyên nhân mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao, các giải pháp giảm lãi vay và đưa tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất thực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế do giá vốn các ngân hàng huy động cao hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay vẫn còn tồn kho nên lãi suất cho vay khó giảm.

“Đúng là trước đây các ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất rất cao, đến nay vẫn đang phải trả lãi cho các khoản tiền gửi đó, thậm chí cả năm mới hết kỳ trả lãi. Lúc đó huy động có khi 9-11%/năm, thì phải cho vay chênh lệch, ở mức khoảng 13-14%/năm. Về mặt pháp lý thì không sai. Nhưng, đang lúc kinh tế khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ bằng cách lấy khoản này bù cho khoản khác để có được mặt bằng lãi suất hợp lý”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói. 

Lãnh đạo NHNN kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các ngân hàng thương mại với đất nước, trách nhiệm với khách hàng, với doanh nghiệp. Chia sẻ khó khăn bằng cách chấp nhận giảm lợi nhuận; cắt giảm chi phí hành chính, chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất.

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục