Ngân hàng: Muốn giúp doanh nghiệp nhưng ...sợ!

Các ngân hàng hiện đang rất băn khoăn đau đầu vì muốn giúp đỡ doanh nghiệp nhưng lại vướng cơ chế, điều kiện cho vay theo quy định và nhất là ngân hàng rất lo sẽ bị hình sự hóa quan hệ tín dụng…

Tính đến giữa tháng 10/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng hơn 7%. Hầu như không tăng so với cuối tháng 9.

Với diễn biến như hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá việc tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khó đạt mục tiêu đề ra khi việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp (DN) nhất là DNVVN đang gặp khó và vô số những gói vay tung ra trong tình trạng… ế.

Ngân hàng: Muốn giúp doanh nghiệp nhưng ...sợ! - Ảnh 1

DN nợ nần ngập cổ

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng ACB, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đến hết tháng 9/2014 đạt khoảng 7%. Tuy cũng không đến mức èo uột nhưng vị này cũng tránh khéo không đề cập tới mục tiêu tăng trưởng của cả năm của ngân hàng mà chỉ nhấn mạnh: Tăng bao nhiêu còn phải tính toán và tùy vào tình hình thực tế.

Còn lãnh đạo Sacombank thì cho biết, đến hết tháng 9 tín dụng ngân hàng này tăng 10% gần đạt mục tiêu 12% theo kế hoạch năm 2014. Kế hoạch bên cạnh 12 gói cho vay ưu đãi đang triển khai ngân hàng này cân nhắc xây dựng thêm nhiều chương trình tín dụng ưu đãi.

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận thực tế tăng tín dụng vẫn đang ì ạch là các ngân hàng đang rất khó xử đối với các DN đang vướng nợ nần. Thời gian qua để tháo gỡ khó khăn, ngân hàng cũng đã cơ cấu lại nợ cho nhiều DN. Nhưng nếu chỉ dừng ở đây thì các DN vẫn chưa hết khó. Điều mà họ cần không chỉ là cơ cấu lại nợ mà có thêm tiền tươi thóc thật hay nói cách khác là vốn mới. Nếu không thì họ không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là điều mà các ngân hàng rất băn khoăn đau đầu. Rất muốn giúp đỡ DN nhưng lại vướng cơ chế, điều kiện cho vay theo quy định và nhất là ngân hàng rất lo sẽ bị hình sự hóa quan hệ tín dụng…

Theo Tổng giám đốc MB Lê Công, thì con số 12 - 14% là mục tiêu điều hành của NHNN định hướng để các NHTM triển khai hoạt động kinh doanh của mình chứ không phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá. TS Trần Du Lịch cũng đồng quan điểm khi cho rằng bản thân ông không quan tâm là tín dụng có tăng trưởng 12 - 14% hay không vì đó chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu mà NHNN cũng như nền kinh tế mong muốn.

Điều mà ông Lịch cho rằng cần phải quan tâm là gỡ nút thắt cầu vốn của nền kinh tế mà cụ thể là từ phía các DN. Sau khi làm việc với 11 ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng cho biết room tín dụng đối với các DN tốt hầu như vẫn còn khá nhiều. Trong khi các DN đang có nợ quá hạn lại đang có nhu cầu vốn cao.

Khó như đẩy vốn

Đánh giá của TS Cấn Văn Lực, làm tín dụng ở Việt Nam khó hơn cả thế giới vì môi trường kinh doanh phức tạp, độ minh bạch chưa cao. “Hiện tại ngay cả cho vay có tài sản đảm bảo ngân hàng còn rất thận trọng cho vay vì lo nợ xấu huống chi là cho vay không có tài sản thế chấp. Vì lẽ đó để các ngân hàng mạnh dạn cho vay tín chấp thì không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, TS Lực cho biết thêm.

Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội đề xuất: Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để kích cầu nền kinh tế. Nếu cứ để các DN tự bơi, tìm kiếm đầu ra, nhất là trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay thì rất khó để họ tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển.

Vì vậy, theo vị này cần phải quy hoạch lại nhóm ngành hàng mục tiêu, nhiều tiềm năng để từ đó tìm kiếm các thị trường đầu ra quốc tế hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, khi thiết kế sản phẩm tín dụng các ngân hàng nên đưa ra chương trình tín dụng riêng theo nhóm ngành hàng và theo đặc thù.

Dù hiện tại các ngân hàng đều đang tích cực nghĩ đủ chiêu mời mọc khách hàng vay nhưng theo Chủ tịch HĐQT DongABank Cao Sỹ Kiêm, muốn “đẩy vốn” ra nền kinh tế tăng nhanh ngân hàng chỉ còn cách cho vay tín chấp.

“Giờ chỉ còn cách giữa ngân hàng và DN phải ngồi với nhau bàn cụ thể từng giải pháp. Những tiêu chí nào là nguyên tắc không thể thay đổi thì vẫn phải giữ nguyên. Vấn đề gì có thể châm chước được thì ngân hàng giảm bớt tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Về phía DN, thời điểm này càng cần phải cố gắng hơn, có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đồng vốn ngân hàng. Như vậy, tin tưởng mới mạnh dạn cấp vốn cho mình”- ông Kiêm nói.

Một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận: Yếu tố khiến các DN tốt chưa mặn mà vay vốn do lãi suất cho vay trung, dài hạn còn cao. Đối với DN tốt họ tự lo vốn lưu động, vấn đề họ cần là vốn trung, dài hạn. Nhưng hiện tại nếu các ngân hàng vẫn để ở mức lãi suất 11 - 12%/năm giữ margin lãi suất trung, dài hạn ở mức 3,5 - 4% là quá cao.

“Nếu ngân hàng chấp nhận giảm margin 2,5 - 3%, tôi nghĩ số DN tốt sẽ tiếp tục vay vốn trung, dài hạn”, vị này đánh giá. Dù rất muốn nhưng để giảm margin cho vay trung, dài hạn xuống thêm nữa theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng là rất khó.

Theo Báo Tiền Phong

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục